Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tết mùa của đồng bào Ca Dong

Nguyễn Văn Sơn - 20:49, 28/12/2021

Khi những đợt giá rét của mùa Đông sắp kết thúc, lúa trên rẫy đã thu họach xong, phơi khô và đưa hết vào kho, người Ca Dong (một nhánh dân tộc Xơ Đăng) huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), lại cùng nhau tổ chức ăn Tết mùa mừng năm mới trong không khí tưng bừng, ấm áp.

Qui trình bỏ gạo nếp vào ống nứa và tiến hành nướng cơm ống.
Qui trình bỏ gạo nếp vào ống nứa và tiến hành nướng cơm ống.

Sau một vụ mùa bội thu, để bày tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với trời, đất, thần linh, ông bà,… đã cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, con vật nuôi phát triển tốt người Ca Dong tại các nóc (nóc gồm từ 8-10 hộ gia đình quây quần sinh sống) lại cùng nhau ăn Tết mùa.

Ông Hồ Văn Dinh, cao niên ở thôn 1  cho chúng tôi biết: Tùy vào mùa vụ lúa rẫy của năm đó được mùa, mất mùa mà người Ca Dong ăn Tết mùa to hay nhỏ. Tết mùa, theo tiếng Ca Dong là pai - ố, pai có nghĩa là nấu rượu, ố có nghĩa là uống. Để được ăn Tết mùa, thì gia đình Ca Dong nào cũng làm một mâm cúng để báo và xin Thần lúa (Mó pế). Nấu cơm làm rượu cần, chuẩn bị heo, gà trước đó khoảng 6-7 ngày và không quên thông tin gia đình, anh em, họ hàng biết.

Tối đến, khi mọi người đã tụ tập đông đủ. Tại không gian bếp của gia đình, một phụ nữ lớn tuổi trong nhà tiến hành thực hiện nghi thức cúng cơm ống để gọi hồn thần lúa (mó pế) về. Sau khi nghi lễ được tiến hành, phụ nữ trong các gia đình sẽ đem gạo nếp bỏ vào ống nứa để nướng cơm ống, gói và nấu các loại bánh lá dong như: bánh dài (bênh chai), bánh ốc (bênh ka dố), bánh dẹp (bênh ka nốp).

Người phụ nữ trong gia đình với nghi thức gọi hồn Thần lúa.
Người phụ nữ trong gia đình với nghi thức gọi hồn Thần lúa.

Trong ngày đầu tiên của Tết mùa, lúc núi rừng còn đang chìm trong màn sương huyền ảo, khi mặt trời vừa ló rạng, ngày mới lại về trên vùng Trường Sơn, cũng là lúc con cháu trong gia đình thức giấc dậy lo chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sân ngõ sạch sẽ. Trong trang phục truyền thống, già Dinh mở cửa kho lúa và thận trọng khấn mời thần lúa về nhà mình ăn Tết mùa cùng gia đình. Sau đó, đóng cửa kho lúa lại, dùng rựa phát dọn cây thoáng đãng để Thần lúa theo đường mà biết về nhà. Cùng lúc, những chàng trai Ca Dong đi bắt heo về và tắm cho heo sạch. Theo lời già Dinh thì không riêng gì ở nóc ông mà hầu hết đồng bào dân tộc Ca Dong tại các xã trong huyện Bắc Trà My, năm nay được mùa lúa rẫy, nên gia đình làm con heo to hơn năm ngoái.

Chủ nhà lên kho lúa, tiến hành mở cửa kho và thận trọng khấn mời thần lúa về ăn Tết mùa
Chủ nhà lên kho lúa, tiến hành mở cửa kho và thận trọng khấn mời thần lúa về ăn Tết mùa

Trong không gian thờ tổ tiên trang nghiêm, heo được khiêng đến để cạnh bàn cúng. Chủ nhà tiến hành nghi lễ cúng heo sống tiễn năm cũ; với ý nghĩa tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã phù hộ gia đình một năm an lành, hạnh phúc. Sau đó, vật hiến sinh sẽ được chế biến thành nhiều món ăn dâng cúng thần đất (ti ní), thần núi rừng (géc gúc), thần nước (kéc tác), thần mặt trời (mắt xnăm), thần mặt trăng (mắt dao), hồn lúa (hon pé), tổ tiên, ông bà, người thân đã mất.

Tại gian cúng, chủ nhà dùng một con gà có bộ lông đen làm vật hiến sinh và dùng tiết của gà vẩy vào kho lúa mới làm phép. Theo quan niệm của người Ca Dong, chỉ có gà có lông màu đen mới đem lại may mắn cho mùa sau. Sau khi làm lễ xong gà được luộc chín để dâng cúng năm mới.

9 giờ sáng, những tia  nắng chiếu rọi vào góc nhà ở hướng Đông. Trời ấm dần, anh em trong họ hàng, con cháu và những người thân trong gia đình đã tề tựu đầy đủ. Cũng là lúc thức ăn đã được nấu xong xuôi, bánh lá dong, cơm ống nướng được dọn lên. Mâm cúng Tết mùa, ngoài gan, tim, bộ lòng, đầu heo cùng với 2 gùi heo chân sau còn sống, còn có thịt heo, 2 ống cơm nướng, 2 đòn bánh dài, 3 chén cơm gạo lúa mới, một tô canh rau ốc đá, một đĩa cá niêng gồm 3 con, 2 ché rượu cần nhỏ, bát chè xanh, nải chuối chín, trầu cau; một bát gạo muối, một bát than lửa hồng để đốt hương trầm. Trên mâm cúng, còn cắm nhiều nhánh lá cỏ đá và những đôi đũa tre dáng tua bông.

Khi mọi việc đã xong, chủ nhà lấy một cái khuôn gỗ nhỏ màu đỏ trên đó đặt một mâm đồng nhỏ và hai đồng tiền để xin keo. Sau khi đốt những dát hương trầm trong chén than hồng khói hương vừa bay lên trong không gian thành kính, trang nghiêm, các thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ. Chủ nhà bắt đầu chắp tay cúng, miệng vừa khấn cầu mong năm tới thần linh, ông bà, tổ tiên bảo vệ mùa màng, ngăn cản không cho những loài con chim, con chuột, con heo rừng,…đến khu vực rẫy xâm hại phá lúa của gia đình. Năm tới, thần rừng, thần núi, thần mặt trời, thần mặt trăng, thần nước, phù hộ không thiên tai, mất mùa. Thần lúa năm nay được bao nhiêu lúa, thì năm sau sẽ thêm nhiều hơn nữa.

Gia chủ thực hiện lễ thức cúng Tết mùa với hồi chiêng được phụ nữ đánh lên.
Gia chủ thực hiện lễ thức cúng Tết mùa với hồi chiêng được phụ nữ đánh lên.

Cùng lúc, người phụ nữ cầm chiếc dùi và đánh vào mặt ngoài của chiêng một hồi dài, các con cháu cũng lần lượt cầm dùi khơi trống, đánh chiêng liên tục để báo tin thần lúa, tổ tiên, ông bà biết. Sau lễ cúng, chủ lễ tiếp tục vái xin keo cầu năm sau mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cầu cho con cháu, dâu rể trong nóc được khỏe mạnh. Khi gia chủ hoàn tất việc cúng xin, lễ vật tại mâm cúng được hạ đem ra dọn ngay tại không gian nhà sàn của gia đình. Mọi người trong gia đình, những người khách như chúng tôi cùng quây quần bên nhau ăn những món ăn truyền thống. Cùng thưởng thức cơm ống nướng, bánh lá dong còn thơm mùi lúa mới. Cùng mời nhau qua những cốc rượu cần ngây ngất thơm, cùng chuyện trò, vui chơi, hát hò. Cầu chúc cho nhau những điều may mắn.

Theo truyền thống của đồng bào dân tộc Ca Dong huyện vùng cao Bắc Trà My, ăn Tết mùa mừng năm mới, còn có tục xem chân gà để xem mùa vụ lúa rẫy năm sau của gia đình sẽ được mùa hay thất mùa. Theo già Dinh, nếu cặp chân gà lành lặn căng đầy, sắc màu tươi thì đó là điều tốt đẹp, hứa hẹn sang năm mới kinh tế, mùa màng, chăn nuôi của gia đình gặp thuận lợi, con cái, dâu rễ trong gia đình luôn thuận hòa, đoàn kết, cháu con ngoan hiền học giỏi...Tết mùa diễn ra như một chuỗi lễ hội kép kín. Lần lượt hết nhà này đến gia đình nhà khác trong cả Nóc. Đây cũng là thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức của các gia đình trong Nóc đến khi nhà cuối cùng thực hiện xong ăn Tết mùa thì mới thôi.

Trong Tết mùa của người Ca Dong, còn có tục xem chân gà để biết mùa vụ lúa rẫy năm sau của gia chủ được mùa hay mất mùa.
Trong Tết mùa của người Ca Dong, còn có tục xem chân gà để biết mùa vụ lúa rẫy năm sau của gia chủ được mùa hay mất mùa.

Tết đến, xuân về khắp các Nóc, những em bé trai, bé gái Ca Dong cũng được mẹ mặc trang phục truyền thống mới sặc sỡ sắc màu để chúng đi vui xuân. Đâu đó, những thanh niên, thiếu nữ Ca Dong trong trang phục đẹp nhất cùng nắm chặt tay với điệu múa cồng chiêng truyền thống, xen lẫn những tiếng cười nói chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe.

Những ngày diễn ra Tết mùa, đón mừng năm mới đi đâu ở các Nóc, người Ca Dong luôn hát cho nhau nghe qua các làn điệu dân ca mộc mạc ca leo, ca choi ngân vang bao trùm cả không gian núi rừng. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.