Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: Về cực Tây vui Tết mùa mưa cùng cộng đồng dân tộc Hà Nhì

PV - 16:20, 27/07/2021

Là một trong 19 cộng đồng dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cộng đồng dân tộc người Hà Nhì sinh sống tập trung chủ yếu tại hơn 20 bản thuộc 4 xã vùng biên của huyện Mường Nhé với dân số khoảng hơn 5.500 người, thuộc hai nhóm là Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Nhắc tới hệ thống lễ, tết của người Hà Nhì thì Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ tết quan trọng, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết.

Người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò nhân nhân tố quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). Ảnh: TTXVN
Người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò nhân nhân tố quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). Ảnh: TTXVN

Tết mùa mưa được người Hà Nhì họp bàn, thống nhất tổ chức khi bắt đầu mùa mưa, cây lúa vừa qua kỳ bén rễ, đang lúc sinh trưởng, phát triển. Ngày được chọn tổ chức thường là ngày Hợi hoặc ngày Thìn. Năm nay, người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) trong hai ngày 26 và ngày 27/7.

Sau hành trình vượt gần 300 km, chúng tôi đặt chân đến xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), địa bàn có hơn 320 hộ dân, gần 1.400 nhân khẩu, thuộc 7 cộng đồng dân tộc sinh sống, trong đó người Hà Nhì chiếm khoảng 96% dân số toàn xã. Miền đất “chóp cùng” cực Tây Tổ quốc này có đỉnh núi Khoan La San nằm trên dãy Pu Đen Đinh (khu rừng lạnh), ở độ cao gần 1.900 mét so với mực nước biển, có mốc số 0, “ba cạnh” là điểm phân định ranh giới giữa ba nước Việt Nam – Lào - Trung Quốc.

Ngay từ chiều 25/7, hoạt động tại bản làng Tả Cố Khừ (một trong 7 bản của xã Sín Thầu) đã nhộn nhịp, tất bật bởi các chị, em gái, các bà, các mẹ đi lấy lá chuối, ngâm gạo nếp, chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cho các lễ thức cúng của Tết Mùa mưa. Tả Cố Khừ là một trong những bản thành lập sớm nên người Hà Nhì sinh sống ở bản khá đông so với 6 bản còn lại của xã, hiện bản có hơn 100 hộ, hơn 540 nhân khẩu.

Người phụ nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống ở bản Tả Cố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) chuẩn bị cho lễ cúng trước thềm nhà. Ảnh: TTXVN
Người phụ nữ Hà Nhì trong trang phục truyền thống ở bản Tả Cố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) chuẩn bị cho lễ cúng trước thềm nhà. Ảnh: TTXVN

Rạng sáng 26/7, khi bản làng chưa tỏ mặt người, dân bản Tả Cố Khừ và các bản lân cận đã thức giấc chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sân ngõ sạch sẽ. Thành viên trong các gia đình đã tất bật với việc đồ xôi. Tiếng giã bánh dày (gạ bạ) tại các gia đình cũng nhanh chóng vang vọng khắp bản làng, vùng biên.

Các bà, các mẹ người dân tộc Hà Nhì cho biết, gạo nếp được lựa chọn để giã bánh dày là loại gạo nếp do chính tay của những người trong gia đình cấy trồng, được lựa chọn kỹ càng của mùa vụ trước, được cất giữ, bảo quản cẩn thận nên hạt mẩy, khi đồ lên rất thơm, dẻo. Công đoạn giã bán dày có sự tham gia của nhiều người trong gia đình, họ hàng để thể hiện tình đoàn kết, sự sẻ chia. Bên những cối giã bánh dày đặt cạnh hiên nhà, đầu ngõ, người thì luôn tay đảo đều bột bánh trong cối đá, nhiều người nhịp chân đều đặn để nâng chày. Để tạo ra được một mẻ bánh dày ngon, có độ kết dính ưng ý, bánh mịn, dẻo thì công việc giã bánh diễn ra cả tiếng đồng hồ.

Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn trong Tết mùa mưa được thực hiện ở nhiều địa điểm để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: TTXVN
Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn trong Tết mùa mưa được thực hiện ở nhiều địa điểm để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng gặp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ảnh: TTXVN

Khi hoàn tất việc giã bánh, các gia đình sẽ nặn thành ba chiếc bánh để dâng cúng tổ tiên. Do nền kinh tế chủ đạo là nông nghiệp, chăn nuôi nên trong tâm thức của người Hà Nhì, bánh dày là thành quả của quá trình lao động chăm chỉ và vất vả. Lễ vật này khi dâng cúng sẽ thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân, hiếu thuận của các thành viên trong gia đình, thế hệ con cháu đối với các đấng sinh thành, bậc tiên tổ. Thực hiện lễ thức khấn vái, cúng tổ tiên thì đàn ông hoặc phụ nữ trong gia đình đều có thể đảm nhận. Nhưng người đóng vai trò chủ lễ phải là chủ nhà (bố, mẹ), hoặc có vai trò quan trọng trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ). Khi chủ lễ cúng xong, bánh dày sẽ được hạ lễ, chia cho các thành viên trong gia đình cùng thụ lễ.

Không khí thiêng liêng, thành kính, trang nghiêm sau đó được tiếp diễn khi các gia đình thực hiện nghi thức gọi hồn. Lễ vật chuẩn bị cho lễ thức này gồm hai con gà, một quả trứng, một bát nước trắng, chai rượu và không thể thiếu một số vật dụng, trang sức gắn liền với đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nhì như: vòng tay, khăn, áo, quần... Không gian tổ chức lễ thức gọi hồn được thực hiện ngoài cửa và trong nhà, nơi thờ tổ tiên để cầu cho con cháu được khỏe mạnh, bản làng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ cúng gọi hồn, chủ lễ sẽ mang tất cả các lễ vật vào nhà, các thành viên trong gia đình cùng uống bát nước trắng và nhận lại trang sức, vật dụng.

Sau nghi thức gọi hồn, tiếp đó các gia đình sẽ cúng tổ tiên hai bên nội, ngoại. Chủ nhà sẽ cắt tiết vật hiến tế (hai con gà), mọi thành viên trong gia đình cũng nhanh tay chuẩn bị các thứ, sắp bày một mâm cúng với các lễ vật, gồm hai bát cháo, hai bát thịt nạc gà xé, gan gà luộc, hai chén rượu... Khi gia chủ hoàn tất việc cúng xin, lễ vật được hạ, mọi người trong gia đình cùng quây quần bên nhau ăn cỗ.

Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục đi chơi tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Các thiếu nữ dân tộc Hà Nhì chuẩn bị trang phục đi chơi tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Theo chính quyền các xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Tết Mùa mưa là một lễ tết quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì. Thông thường, sự kiện này được tổ chức trong 4 ngày, từ ngày Hợi, Tí, Sửu đến hết ngày Dần. Đây là khoảng thời gian mọi người trong bản làng nghỉ ngơi, vui chơi để lấy lại sức sau một năm lao động vất vả. Trong Tết mùa mưa, các nghi thức, lễ thức chủ yếu diễn ra trong ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo diễn ra phần hội. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, trước tình hình dịch COVID-19, để phòng, chống dịch bà con tổ chức ăn Tết mùa mưa trong thời gian ngắn hơn, các lễ thức cũng diễn ra với quy mô nhỏ hơn, nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ trong phần hội cũng được cắt bỏ. Việc đi thăm, chúc phúc nhau, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế cũng được người dân tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Về Mường Nhé- cực Tây Tổ quốc, được dự Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, du khách sẽ dễ dàng cảm nhận được văn hóa trọng tình, mến khách, tình đoàn kết bản làng; tâm hồn, tính cách, văn hóa ứng xử của người dân nơi đây.

Trải qua tiến trình lịch sử, quá trình tìm đất khai hoang, định cư, tạo lập bản làng, cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở Mường Nhé (Điện Biên) đã khẳng định được vai trò chủ thể trước hoàn cảnh, môi trường khắc nghiệt của tự nhiên. Đồng thời tạo dựng được những dấu ấn trong quá trình sáng tạo và phát triển văn hóa dân tộc; xây dựng, bảo lưu được các thiết chế bản làng, những tri thức dân gian, tập tục văn hóa độc đáo, mang tính nhận diện văn hóa dân tộc. Tết Mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một sản phẩm tinh thần độc đáo của người Hà Nhì, góp vào kho tàng Di sản văn hóa dân tộc Việt Nam một tài sản quý.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.