Từ nhiều năm qua, nhờ nhận thức được nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình nên đồng bào Ca Dong ở xã Sơn Mùa đã động viên con cháu giữ gìn bản sắc văn hóa cổ truyền của người Ca Dong. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 3 âm lịch là đồng bào Ca Dong lại tổ chức Lễ hội Ăn trâu để biết ơn trời đất đã phù hộ cho dân làng làm ăn được mùa lúa, mùa khoai, không có dịch bệnh.
Nói về Lễ hội Ăn trâu dưới góc nhìn văn hóa thì đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của tộc người. Những ngày diễn ra lễ hội, các trai làng tập trung làm cây nêu, vật tế thần quan trọng nhất trong Lễ hội Ăn trâu. Bởi thông qua hình tượng cây nêu, người Ca Dong muốn gửi gắm lòng biết ơn các vị thần sông, suối, núi rừng đã phù hộ cho dân làng được sống an lành.
Nhìn những trai làng kẻ vẽ, chúng tôi cảm nhận họ như những nghệ nhân trẻ của làng. Từ những thân cây, ngọn cỏ, lá cây, dây rừng, họ đã tạo nên cây nêu đa sắc màu văn hóa. Dường như cuộc sống sinh hoạt của người Ca Dong ngày xưa được tái hiện lại từ Lễ hội Ăn trâu. Con trâu là vật tế thần trong lễ hội cũng được cho ăn, uống đầy đủ trước khi dâng cho các vị thần. Trước khi dâng trâu, người Ca Dong còn có bài hát khóc trâu. Nội dung bài hát kể rõ lòng biết ơn của con người đối với con trâu khi còn sống và sau khi đã chết. Cũng nhờ lễ hội này mà hằng trăm bộ chiêng quý của các làng được gìn giữ bảo tồn qua bao thế hệ.
Già làng, nghệ nhân ưu tú Đinh Ka La cho biết: Hiện nay, gia đình ông vẫn còn giữ hơn 10 chiếc chiêng quý giá để phục vụ Lễ hội Ăn trâu, cúng máng nước hay lễ cưới. Có người hỏi mua trên chục triệu đồng một chiếc, nhưng ông không bán.
Sơn Mùa là xã có nhiều nghệ nhân được công nhận nghệ nhân ưu tú. Trong đợt phong tặng năm 2020, xã vinh dự có 5 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Đa số các nghệ nhân được phong tặng đều biết chơi nhiều nhạc cụ văn truyền thống của người Ca Dong và nhiệt tình chỉ dạy cho lớp trẻ trong làng. Nghệ nhân ở các bản làng dành thời gian truyền nghề cho lớp trẻ rất nhiệt tình và không nhận tiền bồi dưỡng.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Khoăng ở làng Tu La chia sẻ: “Mình biết chơi đàn brood, biết làm đàn nước, mình sẵn sàng chỉ cho anh em trẻ biết cách chế tác và biểu diễn nhạc cụ. Mình không lấy tiền công đâu…”. Nhờ nghệ nhân, già làng nhiệt tình với công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa cổ truyền của dân tộc nên ở Sơn Mùa đã hình thành đội văn nghệ của xã khá mạnh. Trong các cuộc hội diễn Liên hoan cồng chiêng đàn và hát dân ca ở huyện và tỉnh đội đều đạt giải cao.
Sơn Mùa cũng là xã có nhiều bản làng còn giữ được kiến trúc nhà sàn đẹp và nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của người Ca Dong. Nhận thấy những giá trị văn hóa tiềm ẩn này, năm 2020, chính quyền xã Sơn Mùa đã đề xuất huyện và các sở, ngành cùng Ban Dân tộc tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa Ca Dong.
Câu lạc bộ ra đời sẽ thực hiện nhiệm vụ truyền dạy hát dân ca, chế tác, sử dụng các nhạc cụ văn hóa cổ truyền của người Ca Dong cho lớp trẻ. Đồng thời xây dựng bản làng truyền thống của người Ca Dong để phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm văn hóa. Trước mắt, xã tạo điều kiện cho các nghệ nhân đi tham quan, học tập kinh nghiệm những mô hình bảo tồn văn hóa ở Kon Tum để nghệ nhân rút kinh nghiệm làm tốt hơn khi tham gia vào Câu lạc bộ ở địa phương.
“Ý tưởng kế hoạch đã được xây dựng rõ ràng, chúng tôi đang chờ sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát an toàn để chính thức ra mắt Câu lạc bộ”, ông Hà Phải, Chủ tịch UBND xã Sơn Mùa cho biết.