Dịch bệnh lây lan nhanh
Gia đình anh Đơng ở làng Brếp, là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã Đăk Djăng, huyện Mang Yang (Gia Lai), có đàn bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC). Anh Đơng cho biết: "Đàn bò nhà tôi có hơn chục con. Cuối tháng 5, tôi thấy một số con bò có biểu hiện rất lạ, dịch tiết ra ở mắt, mũi, bỏ ăn, các nốt sần nổi trên da. Tôi không biết đàn bò bị nhiễm dịch bệnh, nên không kịp thời chữa trị, khiến 2 con bò bị chết. Hiện gia đình tôi đã báo cán bộ thú y và được hướng dẫn chữa trị, cách ly những con chưa bị bệnh".
Tương tự, những ngày qua gia đình ông Võ Trung Thông, thôn 24, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) đứng ngồi không yên, khi đàn bò của gia đình có một số con đã bị nhiễm bệnh. Ông Thông chia sẻ: "Gia đình tôi có 10 con bò, thì 4 con không may bị bệnh VDNC phải tiêu hủy 1 con bệnh nặng, 3 con đang điều trị. Tôi chỉ sợ bệnh lây lan sang những con khỏe mạnh còn lại. Mới đây, cán bộ thú y của huyện đã đến tiêm phòng, tôi cũng yên tâm hơn".
Ngoài dịch VDNC trên trâu, bò, dịch tả lợn châu Phi (TLCP) cũng trở lại hoành hành ở nhiều địa phương khu vực Tây Nguyên. Ngày 3/8, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa (Gia Lai) báo cáo, tại xã Chư Răng xuất hiện trường hợp lợn nghi mắc bệnh TLCP. Đơn vị đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với vi rút gây bệnh TLCP. Không riêng Gia Lai, tại Đắk Lắk, Đắk Nông, dịch TLCP cũng tái xuất với mức độ lây lan nhanh.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, bệnh VDNC trên trâu bò xuất hiện đầu tiên tại xã Đăk Djăng, huyện Mang Yang từ ngày 27/5/2021. Tính đến ngày 19/9 toàn tỉnh có 20.467con/12.269 hộ của 949 thôn, làng trên địa bàn tỉnh có bò mắc bệnh VDNC. Trong đó, có 2.204 con chết, tiêu hủy; số con khỏi 17.452 con. Đến nay, dịch đã lây lan ra 5 xã, làm 459 con lợn của 58 hộ mắc bệnh. Hiện đã tổ chức tiêu hủy theo quy định.
Tại Đắk Lắk, VDNC trên gia súc phát hiện vào đầu tháng 6/2021 ở huyện Buôn Đôn. Tính đến nay, dịch bệnh xảy ra tại 1.304 hộ, 551 thôn/buôn, tại 129 xã, 15/15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với tổng số 2.209 con, trong đó có 714 con chết, tiêu hủy.
Các cơ quan chuyên môn nhận định, nguyên nhân xảy ra dịch VDNC trên trâu, bò, là do véc tơ truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) khó kiểm soát; gia súc sau khi tiêm phòng cần khoảng 21 ngày mới bảo đảm đủ bảo hộ; công tác quản lý ổ dịch tại một số địa phương chưa tốt...
Đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin phòng dịch
Dịch chồng dịch trên các đàn gia súc, đã khiến người dân thiệt hại nặng về kinh tế. Hiện tại các địa phương, cơ quan chuyên ngành trong khu vực Tây Nguyên đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng dịch trên trâu bò. Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch trong chăn nuôi; hướng dẫn cách ly, chăm sóc gia súc bệnh; tiêu độc, khử trùng; phun thuốc diệt côn trùng truyền bệnh…
Đến nay, tỉnh Gia Lai đã tổ chức tiêm 212.500 liều vắc xin VDNC cho trâu bò, đạt 50% tổng đàn; sử dụng hơn 7.020 lít hóa chất và 125 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Một số địa phương hoàn thành việc tiêm vắc xin, cơ bản khống chế dịch bệnh.
Ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Ia Pa cho biết: Hiện nay, dịch VDNC tại địa phương cơ bản đã được khống chế, còn đối với dịch TLCP vẫn còn xảy ra rải rác trên địa bàn, trung bình vài ngày có 1, 2 con bị mắc bệnh.
Đối với dịch TLCP không có vắc xin, không có thuốc điều trị, nguồn lây lan thì không rõ ràng, cán bộ Trung tâm đã đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân thực hiện tiêu độc, khử trùng, kiểm soát các côn trùng truyền bệnh và hạn chế người ra vào. Trung tâm cũng đã hướng dẫn, tập huấn cho người dân các kỹ năng, giải pháp chống dịch cho các xã công bố dịch.
Ngoài ra, để giúp người chăn nuôi trong khu vực không có dịch, có đầu ra, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, Trung tâm DVNN huyện Ia Pa đã lấy mẫu và gửi đến Chi cục thú y vùng V xét nghiệm. Nếu âm tính thì người dân được phép giết mổ hoặc mang đi bán theo quy định".
Vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã trích kinh phí mua 120.000 liều vắc xin VDNC trên trâu bò và phân bổ đến 14 huyện, thị xã, thành phố có dịch tiêm phòng cho đàn gia súc. Với số vắc xin này, tỷ lệ tiêm phòng VDNC đạt 80% tổng đàn. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cung cấp 818 lít hóa chất cho các địa phương triển khai tiêu độc, khử trùng để ngăn chặn, tiêu diệt mầm bệnh.
Tuy nhiên, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo, để công tác chống dịch đạt hiệu quả cao, người chăn nuôi cũng phải chủ động nâng mức cảnh giác, giữ gìn vệ sinh chuồng trại, thực hiện cam kết giữ trâu, bò bệnh tại chuồng, không chăn thả, bán chạy, giết mổ trâu, bò bị bệnh... Nếu phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cần chủ động thông báo với chính quyền địa phương để tìm cách xử lý, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế.