Trong số đó, Yên Định là huyện có số lượng trâu, bò mắc bệnh nhiều nhất với tổng số 401 con bò mắc bệnh trên địa bàn 9 xã. Ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp làm việc với UBND các huyện có dịch để phối hợp chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp bám sát địa bàn để kiểm tra, hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
UBND các xã có dịch thành lập tổ công tác phòng chống dịch để điều tra tổng đàn, nắm bắt tình hình dịch bệnh và thực hiện cam kết giữa người chăn nuôi với chính quyền địa phương không bán chạy, không giết mổ, vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường; thực hiện nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò, không thả rông trong vùng dịch...
Các địa phương có dịch thành lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn xã với sự tham gia của lực lượng thú y, công an, dân quân tự vệ... trực 24/24 giờ, nhằm ngăn chặn không đưa trâu bò, sản phẩm trâu bò ra ngoài vùng dịch. Qua đó, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã, phường có dịch.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố chưa có dịch, phân công lực lượng tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi, số lượng trâu, bò trên địa bàn; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản, khu phố để phát hiện sớm, kịp thời báo cáo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về nguy cơ, dấu hiệu nhận biết bệnh, tác hại và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, để nâng cao sức đề kháng cho gia súc.
Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương thực hiện phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm, bãi chăn thả tại các thôn có dịch 2 ngày 1 lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc 3 ngày 1 lần bằng các loại hóa chất sát trùng liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh.
Đồng thời, phun thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Tổng số hóa chất đã huy động để thực hiện tiêu độc, khử trùng 21.000 lít, vôi bột 3 tấn, 2.235 lít thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng … Nhưng hiện nay, do lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, hạn chế về chuyên môn; vắc-xin phòng bệnh phải nhập khẩu nên việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn…./.