Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Các tỉnh miền Trung: Khoanh vùng dập dịch viêm da nổi cục trên trâu bò

Nguyễn Thanh - 10:08, 26/03/2021

Tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang xuất hiện nhiều ổ dịch với hàng trăm con trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Ngành chức năng nơi đây đang khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách để khoanh vùng dập dịch, không để lây lan ra diện rộng.

Một con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở Nghi Lộc- Nghệ An
Một con bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục ở Nghi Lộc- Nghệ An

Bệnh dịch viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đã xuất hiện tại một số tỉnh ở miền Trung. Điều đáng chú ý, kể từ khi khởi phát dịch đến nay, số lượng trâu bò nhiễm bệnh đã tăng lên đáng kể.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Nghệ An, tính đến giữa tháng 3/2021, toàn tỉnh đã có 15 ổ dịch tại 8 huyện, thành, thị chưa qua 21 ngày với tổng số trâu, bò bị mắc bệnh là 66 con. Các địa phương hiện đang có dịch bao gồm: Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP. Vinh, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Diễn Châu, Tân Kỳ và TX.Hoàng Mai. Trong đó, những địa phương bùng phát mạnh nhất bao gồm: huyện Nghi Lộc (3 xã và 20 con bị bệnh), TP.Vinh (2 xã và 22 con bị bệnh), huyện Anh Sơn (1 xã và 14 con bị bệnh).

Tại Hà Tĩnh, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh này cũng xác nhận đã có 8 huyện, thị có trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục với số lượng lên đến 997 con, trong đó có 56 con đã chết tại các địa phương như Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Kì Anh …

Tính đến giữa tháng 3/2021, tỉnh Quảng Bình cũng đã ghi nhận gần 200 con trâu, bò bị mắc bệnh tại 9 xã, 3 huyện.

Nguyên nhân khiến dịch bệnh này bùng phát mạnh là do ảnh hưởng của thời tiết đầu Xuân, thường ẩm ướt nên muỗi, ve, mòng - đường lây bệnh chủ yếu hiện đang sinh trưởng, phát triển mạnh. Bên cạnh đó, các tỉnh miền Trung có nhiều tuyến quốc lộ đi qua công tác vận chuyển gia súc ra vào địa bàn khó kiểm soát. Chưa kể, một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Trước thực tế này, ngành chức năng các tỉnh miền Trung đã và đang triển khai nhiều giải pháp, biện pháp cấp bách để phòng dịch, khống chế dịch không để lây lan ra diện rộng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các địa phương đã trích kinh phí mua vaccine và hóa chất để tiêm phòng, tiêu độc khủ trùng: Nghệ An, đã cấp kinh phí mua 28.000 liều vaccine và 2.000 lít hóa chất; Hà Tĩnh cũng đã cấp kinh phí để tiêm phòng thêm 20.000 liều vaccine…

Theo thông tin từ Chi Cục Chăn nuôi -Thú y tỉnh Quảng Bình, địa phương đang chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng khoanh vùng dịch, đồng thời triển khai phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn các xã cách phòng trừ bệnh. Mặt khác, tiến hành cách ly gia súc bị bệnh, dùng hóa chất, vôi, tiêu độc khử trùng và thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng chăn nuôi gia súc tại Hà Tĩnh
Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng chăn nuôi gia súc tại Hà Tĩnh

Các địa phương cũng đã khuyến cáo bà con những vùng có dịch chủ động nuôi nhốt trâu bò, cho ăn thêm các chất bổ để tăng sức đề kháng, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, nhất là phải phun diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve bò.

Ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Ngoài việc tích cực tiêm phòng dịch, ngành chức năng đã hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để kịp thời báo cáo chính quyền, cơ quan thú y. Tạm thời đình chỉ việc vận chuyển, giết mổ, mua bán, tiêu thụ trâu bò trên địa bàn các xã xảy ra dịch bệnh cho đến khi khống chế được dịch theo quy định.

Bệnh viêm da nổi cục (còn gọi là bệnh da sần trên trâu, bò) là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra. Virus này không lây nhiễm và gây bệnh trên người. Trâu bò nhiễm bệnh do các ký chủ trung gian (ruồi, muỗi, ve, mòng,…) lây truyền từ những gia súc bị bệnh sang gia súc khỏe  trong quá trình chăn nuôi, giết mổ. Những con bò mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng như: Trướng bụng, nổi những cục lớn trên toàn thân... Sau nhiều ngày, những cục sần bắt đầu hoại tử khiến trâu, bò bị chết.



Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.