Ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó nêu rõ quan điểm: "Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người". Có thể thấy từ quan điểm lãnh đạo của Đảng,việc ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người là vấn đề rất quan trọng, không chỉ trước mắt mà phải là chiến lược lâu dài.
Vấn đề cấp thiết
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, trong số 53 dân tộc thiểu số của nước ta có 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, La Hủ). Nhóm dân tộc này hiện có hơn 74.000 người, chiếm 0,08% dân số toàn quốc và 0,55% cộng đồng dân tộc thiểu số.
Nhóm dân tộc rất ít người cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước, tập trung ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn của các tỉnh vùng núi cao, biên giới (Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Kon Tum…). Nhóm dân tộc này luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển quyền con người, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2-4 lần so với các nhóm dân tộc khác.
Với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, nhóm dân tộc này có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển; mai một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ và chất lượng dân số thấp. Những hạn chế này là rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, gia tăng khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc. Do đó, việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc dưới 10.000 người là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Nhiều nghiên cứu cho thấy các chỉ số đáng quan ngại trong “bức tranh” thực trạng dân số của 16 dân tộc thiểu số rất ít người. Trong đó có thể kể đến các chỉ số như: tuổi thọ trung bình thấp hơn 3- 4 năm so với kết quả chung của cả nước; tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) thấp so với các dân tộc khác; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao (29,2%), đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân. Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu máu, thiếu vitamin A tiền lâm sàng, i ốt, kẽm… vẫn còn ở mức cao; dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; tình trạng học sinh bỏ học cao, tỷ lệ người có trình độ đại học, thạc sỹ thấp hơn nhiều so với các dân tộc thiểu số khác.
Đặc biệt, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết còn khá cao trong khi đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái do mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm… làm giảm chất lượng dân số các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng và nguồn nhân lực tương lai của nước nhà nói chung.
Nhiều chính sách ưu tiên được ban hành
Để tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người phát triển, Đảng, Nhà nước đã có hàng loạt chính sách đặc thù, quan trọng để đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực (kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa…) như Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015; Nghị định Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người; Quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025...
Trong những năm qua, công tác dân tộc đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, phát triển vùng dân tộc thiểu số thông qua các chương trình, dự án: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh, định cư; chính sách hỗ trợ đất ở, sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn... Các chính sách này đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng.
Ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021 - 2030". Thực hiện quyết định này, 16 dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống, tập trung trên địa bàn 12 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum được hỗ trợ để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc".
Mới đây nhất, ngày 8/12, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (có hiệu lực thi hành từ ngày 23/1/2021). Nghị định nêu rõ, đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển gồm người dân tộc thiểu số rất ít người; người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Xây dựng mô hình nâng cao chất lượng dân tộc thiểu số rất ít người
Có thể khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng trên tất cả các lĩnh vực (kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa…) nhằm nâng cao chất lượng dân số; góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ít người; hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Bên cạnh đó, việc khám chữa bệnh cho người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên; trẻ em được đến trường học tập, rèn luyện... Những điều này đã giúp giảm dần các tệ nạn; tình hình chính trị, trật tự xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên, trước những biến đổi xã hội và yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đòi hỏi cần xây dựng các chính sách đặc thù, phù hợp với sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Khi xây dựng và triển khai chính sách dân số cần lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực.
Để giúp đồng bào từ bỏ dần các tập quán lạc hậu, tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục nhằm xây dựng lối sống văn hóa, vệ sinh, chăm sóc tốt sức khỏe bản thân và cộng đồng, công tác truyền thông được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, do dân tộc thiểu số phần lớn có trình độ thấp, chỉ hiểu ngôn ngữ của dân tộc mình và tin theo những người có uy tín trong làng, bản nên công tác tuyên truyền cần đặc biệt chú trọng tới văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, phát huy tốt vai trò của những Già làng, Trưởng bản, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản… thì mới nhanh truyền thông đến được người dân .
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình sẽ hỗ trợ, phối hợp với Ủy ban Dân tộc tiếp tục thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân tộc thiểu số rất ít người thông qua các hoạt động như: truyền thông về kế hoạch hóa gia đình, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn trước kết hôn, truyền thông nhằm xóa bỏ tảo hôn và kết hôn cận huyết để giảm thiểu việc sinh ra những đứa trẻ bệnh tật, gây suy giảm giống nòi…/.