Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người ở Lào Cai: Cơ hội để đồng bào vươn lên (Bài 1)

Trọng Bảo - 06:55, 04/11/2020

Thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 (Đề án) theo Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ, tại Lào Cai có hai dân tộc là Phù Lá và Bố Y được thụ hưởng chính sách này. Theo đó, từ cuối năm 2018 việc triển khai Đề án, đã góp phần giải quyết được cơ bản những vấn đề khó khăn trong đồng bào; nhất là việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, bảo tồn văn hóa của hai dân tộc, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trên địa bàn.

Lớp trao truyền phương thức chế biến ẩm thực truyền thống của đồng bào Phù Lá tại xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà (Lào Cai)
Lớp trao truyền phương thức chế biến ẩm thực truyền thống của đồng bào Phù Lá tại xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà (Lào Cai)

Theo thống kê, tỉnh Lào Cai hiện có 2.240 hộ dân tộc Phù Lá, với 10.276 khẩu; 593 hộ dân tộc Bố Y, với 2.537 khẩu. Đồng bào Phù Lá và Bố Y cư trú tại 37 thôn, thuộc 22 xã, tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng và thị xã Sa Pa. Với nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của hai dân tộc đã có những thay đổi tích cực.

Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: 5 năm qua (2016 - 2020), Lào Cai được bố trí nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách của Trung ương đầu tư vào vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Trong đó, tại 37 thôn có đồng bào dân tộc Bố Y, Phù Lá, tỉnh đã được ngân sách Trung ương bố trí trên 29,65 tỷ đồng (năm 2018 trên 12,7 tỷ đồng, năm 2019 trên 16,95 tỷ đồng) để thực hiện đào tạo cán bộ; hỗ trợ phát triển sản xuất; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là 12 tỷ đồng. Năm 2020, nguồn ngân sách tiếp tục bố trí thực hiện Đề án là gần 53 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 34 tỷ đồng...).

Đặc biệt, sau hơn 2 năm triển khai, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã tạo ra nhiều cơ hội giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giúp chuyển biến đáng kể về mặt nhận thức, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ.

Cách đây vài năm, gia đình anh Sần Xuấn Phà, dân tộc Phù Lá ở thôn Lùng Phình, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà thuộc diện hộ nghèo trong xã. Thực hiện Đề án, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 14,5 triệu đồng để mua ngựa sinh sản. Có ngựa vừa có thêm sức thồ, sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa nuôi sinh sản nên gia đình rất yên tâm, tập trung làm ăn phát triển kinh tế gia đình, hiện nay gia đình anh đã thoát nghèo.

“Với các hộ dân ở vùng cao chúng tôi, thì con trâu, con ngựa hay bò là tài sản có giá trị rất lớn. Bà con chúng tôi rất vui mừng, cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, ưu tiên dân tộc ít người như chúng tôi”, anh Phà chia sẻ.

Thay đổi tư duy, phát triển sản xuất

Bấm lỗ tai đánh dấu ngựa hỗ trợ đồng bào dân tộc Phù Lá, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà.
Bấm lỗ tai đánh dấu ngựa hỗ trợ đồng bào dân tộc Phù Lá, xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà.

Căn cứ vào việc khảo sát tâm tư, nguyện vọng và điều kiện thực tế của bà con Phù Lá ở thôn Chỉu Cái, xã Na Hối, trong năm 2019, Đề án đã hỗ trợ 28 con trâu cho các hộ, nhờ đó mà bà con có thêm sinh kế để xóa đói giảm nghèo. Anh Giàng Seo Sài, Trưởng thôn Chỉu Cái, xã Na Hối chia sẻ: Nhờ có chính sách này mà năm 2017, toàn thôn chỉ có hơn 40 con trâu, cuối năm 2019 toàn thôn đã có gần 68 con trâu.

Ông Chấu Seo Sẻng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Hà cho biết: Đến cuối năm 2019, toàn huyện đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc Phù Lá tại 5 xã thực hiện dự án theo Quyết định 2086/QĐ-TTg với tổng số vốn hơn 4.034,56 triệu đồng. Năm 2020, từ nguyện vọng của người dân huyện Bắc Hà tập trung hỗ trợ dự án chăn nuôi lợn đen, trồng cây ăn quả, hỗ trợ máy móc cho đồng bào.

Theo báo cáo của huyện Mường Khương, trong năm 2019, địa phương đã thực hiện hỗ trợ khoảng 40 con trâu, bò cho các hộ và nhóm hộ dân tộc Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình. Anh Lồ Củi Thàng, Trưởng thôn Lao Hầu chia sẻ: “Chúng tôi rất vui, trước kia vì nghèo quá nên bán hết trâu, bò đi, nhờ có chính sách này mà chúng tôi lại tái đàn trở lại. Năm trước cả thôn chỉ có hơn 20 con trâu thôi, năm nay thôn tôi đã có gần 50 con rồi”.

Tại xã Tung Chung Phố, năm 2019, để tạo sinh kế cho 20 hộ dân là người dân tộc Bố Y ở thôn Páo Tủng, Đề án đã được hỗ trợ trên 6.500 cây mận tam hoa; cùng với phân bón và tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

Ông Nguyễn Xuân Dậu, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Khương cho biết: Việc hỗ trợ này căn cứ trên việc khảo sát tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và điều kiện thực tế của bà con Nhân dân; công khai nguồn hỗ trợ để bà con biết và tự lựa chọn giống cây, con để phát triển sản xuất. Chính vì vậy, bà con rất phấn khởi trước sự quan tâm của Nhà nước đối với các dân tộc ít người, yên tâm tập trung vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Có thể nói, với chính sách hỗ trợ, đầu tư toàn diện, đồng bộ theo Quyết định 2086, thời gian qua, đời sống của đồng bào dân tộc Phù Lá, Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có những chuyển biến nhất định. Đặc biệt, đã có rất nhiều hộ nghèo đang dần thay đổi tư duy về phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng hàng hóa...

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.