Nhằm nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác, xác định thế mạnh của địa phương, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, với trọng tâm là quy hoạch vùng sản xuất tập trung; lựa chọn cây, con giống thích hợp hiệu quả kinh tế cao. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao như vùng trồng dứa tại xã Bản Lầu; chè San tại xã Bản Sen, Bản Lầu, Lùng Vai, Thanh Bình, Tả Thàng; gạo Séng Cù tại xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin; Tung Chung Phố… với diện tích canh tác lên đến hàng nghìn ha.
Được hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, 60 hộ dân thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 63ha đất trồng ngô sang trồng quýt và 20ha cây dược liệu sa nhân. Nhờ tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, diện tích cây ăn quả và dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt, giá trị trên cùng diện tích canh tác đã cao hơn hẳn so với trồng ngô trước đây.
“Gia đình mình trồng quýt đã được 5 năm, qua 2 vụ thu hoạch thì hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô”, chị Pờ Duẩn Siu, một hộ dân trồng quýt ở thôn Sa Pả cho biết.
Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà thôn Sa Pả trước đây có đến 90% hộ nghèo và cận nghèo, thì nay chỉ còn hơn 10%. Sa Pả là 1 trong 3 thôn chuyên canh trồng quýt và sa nhân của huyện Mường Khương.
Theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương, để bà con yên tâm sản xuất, huyện đã tập trung đẩy mạnh gắn kết 4 nhà (Nhà quản lý, Nhà nông, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp). Qua đó, đã tăng cường đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế của cây trồng, tạo đầu ra ổn định…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Đề án số 01 về tái cơ cấu nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp. Mường Khương chỉ là một trong những điển hình về thực hiện Đề án này hiệu quả của tỉnh.
Nội dung trọng tâm của Đề án là đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thực hiện thâm canh tăng vụ gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Tập trung mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa gắn với thị trường; quan tâm khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; phát triển sản xuất theo chuỗi để gia tăng giá trị thu nhập; khai thác thế mạnh của các địa phương theo định hướng các sản phẩm chủ lực của tỉnh, của địa phương, các sản phẩm OCOP; phát triển và tạo ra các vùng hàng hóa gắn với chế biến nâng cao giá trị sản phẩm và có quy mô phù hợp…
Với việc triển khai thực hiện Đề án, hiện tại, giá trị canh tác trên 1ha của Lào Cai đã đạt 75,1 triệu đồng, dự kiến hết năm 2020 đạt trên 80 triệu đồng/ha.
“Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; các sản phẩm cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất hàng hóa theo chuỗi; xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cũng như phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương…”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết.