Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Không ai bị bỏ lại phía sau

Trường Giang - 12:07, 02/12/2020

Nước ta có 16 DTTS có số dân dưới 10.000 người. Đó là những DTTS rất ít người, điều kiện kinh tế khó khăn, là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Xuyên suốt những năm qua, cùng với những chính sách chung cho vùng DTTS và miền núi, Đảng, Nhà nước còn ưu tiên hàng loạt các chính sách đặc thù, hỗ trợ, tạo điều kiện tối ưu để đồng bào các dân tộc rất ít người phát triển, kéo dần khoảng cách chênh lệch giữa các thành phần dân tộc.

Đồng bào Pà Thẻn được hỗ trợ bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đồng bào Pà Thẻn được hỗ trợ bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần

Nhóm 16 DTTS rất ít người ở nước ta gồm Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Hiện nay, các dân tộc này đang sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho các DTTS rất ít người phát triển, tính từ năm 2010 đến nay, Chính phủ đã phê duyệt một loạt chính sách đặc thù, quan trọng, với kinh phí hàng ngàn tỷ đồng, tập trung vào hai lĩnh vực chính là hỗ trợ giáo dục (Quyết định số 2123/QĐ-TTg, 2010 và Nghị định số 57/2017/NĐ-CP) và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (Quyết định số 1627/QĐ-TTg, năm 2011 và Quyết định số 2086/QĐ-TTg, năm 2016).

Những chính sách trên đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng dân tộc rất ít người phát triển. Hạ tầng cơ sở từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc rất ít người được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Các nhu cầu về y tế, thông tin được đáp ứng; trẻ em được đến trường, học tập, rèn luyện, giảm dần các tệ nạn xã hội…

Đơn cử, tại tỉnh Cao Bằng, việc triển khai Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, đã đem lại cơ hội phát triển rõ nét cho đồng bào Lô Lô sinh sống tại hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Với Quyết định 2086, tỉnh Cao Bằng được phân bổ 8,4 tỷ đồng. Nguồn vốn được tỉnh xác định, tập trung đầu tư phát triển sản xuất, hỗ trợ làm đường giao thông và nước sinh hoạt tại 11 xóm có đồng bào Lô Lô sinh sống tại hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc. Đây là nguồn lực rất quan trọng giúp đồng bào dân tộc Lô Lô thay đổi dần tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống…

Tương tự, tại Hà Giang, thực hiện Quyết định 2086, trong 2 năm 2019 - 2020, từ nguồn vốn của Quyết định 2086, tỉnh đã bố trí trên 73 tỷ đồng để triển khai các hạng mục thiết yếu, như: Hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ mua sắm nhạc cụ truyền thống; hỗ trợ duy trì hoạt động các đội văn nghệ thôn, bản; bảo tồn kiến trúc, văn hóa truyền thống và các hoạt động bình đẳng giới…

Trình diễn múa quạt dân tộc Lự phục vụ du lịch cộng đồng.
Trình diễn múa quạt dân tộc Lự phục vụ du lịch cộng đồng.

Đầu tư nâng cao chất lượng dân số

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành và cũng xác định mục tiêu: “Bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10.000 người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người”.

Quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 21-NQ/TW; Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết chương trình hành động. Theo đó, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Bảo vệ và Phát triển các DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10.000 người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc...

Trên cơ sở chỉ đạo điều hành của Chính phủ, từ nỗ lực triển khai của UBDT, mới đây, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 499/QĐ-TTg (QĐ 499) phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và Phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”.

Theo Chương trình này, 16 DTTS rất ít người sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum) sẽ được hỗ trợ để nâng cao chất lượng dân số. Mục tiêu của Chương trình là hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các DTTS rất ít người cả về số lượng và chất lượng, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc… Có thể khẳng định, đây là một chính sách chuyên sâu về hỗ trợ phát triển dân số, thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chất lượng thể chất, giống nòi của các DTTS rất ít người…

Không chỉ là chính sách về dân số, càng vui mừng hơn, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBDT cũng đã xây dựng Tiểu dự án số 9 dành riêng cho nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.

Với Tiểu dự án này, mục tiêu đặt ra là xóa đói nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản, nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người. Thực hiện được mục tiêu này, cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh phên dậu Tổ quốc.

Theo đó, Tiểu dự án sẽ tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2025; phát triển KT-XH các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao; hỗ trợ phát triển KT-XH bền vững người Đan Lai; đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc - gia cầm cho hộ DTTS rất ít người và DTTS còn nhiều khó khăn; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận