Những chỉ số báo động
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc (UBDT), trong 53 DTTS của nước ta, có 16 dân tộc có dân số dưới 10 nghìn người. Trong 16 DTTS rất ít người, có 11 dân tộc có dân số dưới 5 nghìn người, trong đó 5 dân tộc có dân số dưới 1 nghìn người (Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu).
Số liệu được nêu trong Đề án “Bảo vệ và phát triển DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc” do UBDT xây dựng cho thấy, nhiều chỉ số đáng ngại về chất lượng dân số của các DTTS rất ít người.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của DTTS rất ít người chỉ đạt 69,9 năm, thấp hơn 3,4 năm so với kết quả chung của cả nước; tầm vóc thể lực (chiều cao, cân nặng trung bình) cũng rất thấp (chiều cao trung bình là 1m40 - 1m55, cân nặng trung bình 40 - 45kg)…
Đáng chú ý nhất, là tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em các DTTS rất ít người. Theo kết quả điều tra, cân nặng trẻ sơ sinh đủ tháng đạt chuẩn là khoảng 2,9 - 3,8kg/trẻ. Ghi nhận trên cả nước thì tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới cân nặng này chỉ khoảng 5,7%. Nhưng với các DTTS rất ít người, trẻ sơ sinh có cân nặng dưới tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ 8,1%.
Ngoài ra, tỷ lệ thiếu máu vẫn luôn cao ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên với 43% trẻ thiếu máu so với tỷ lệ chung toàn quốc là 27,8%. Đặc biệt, tập quán kết hôn cận huyết thống, tảo hôn của một số DTTS rất ít người dẫn đến nhiều hệ lụy như đẻ non, thai nhi kém phát triển, suy dinh dưỡng, thể trạng yếu, mắc bệnh, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi suy thoái.
Điều này khiến dân số của các DTTS rất ít người có gia tăng, nhưng không nhiều. Đáng chú ý, dân số của một số DTTS rất ít người đang có chiều hướng giảm (dân tộc Ngái giảm từ 1.035 người năm 2009 xuống còn 999 người năm 2015; dân tộc Lô Lô từ 4.541 người năm 2009 xuống còn 4.314 người năm 2015).
Tìm mô hình phù hợp
Thực trạng chất lượng dân số ở các DTTS rất ít người đã được tìm hiểu; các nguyên nhân cũng đã được chỉ ra. Đó là do điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn; là do tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; là thói quen lạc hậu khi mang thai và sinh sản…
Để nâng cao chất lượng dân số các DTTS rất ít người, nhiều giải pháp cũng đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai, lồng ghép trong các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi. Từ các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất… đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào các DTTS rất ít người đã được nâng nên, góp phần cải thiện chất lượng dân số.
Đặc biệt, với nguồn lực đầu tư phát triển y tế vùng DTTS và miền núi, đồng bào DTTS rất ít người ngày càng có cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Đồng bào DTTS rất ít người được khám chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định… Tuy nhiên, những nỗ lực này mới chỉ dừng lại ở mức duy trì, cải thiện một bước chất lượng dân số ở các DTTS rất ít người, chưa tạo “cú hích” thực sự để nâng cao chất lượng dân số.
Những chỉ số báo động về thực trạng chất lượng dân số của đồng bào DTTS rất ít người đã đặt ra yêu cầu cấp bách, phải xây dựng mô hình can thiệp phù hợp. Mô hình này không chỉ can thiệp vào những yếu tố khách quan tác động đến chất lượng dân số (kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe…), mà còn tác động vào nhận thức của đồng bào (thay đổi tập quán tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thói quen sinh đẻ tại nhà…). Chỉ có như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng dân số củ các DTTS rất ít người mới đạt.