Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sơn La: HTX nuôi trồng thủy sản giúp người dân vươn lên làm giàu

Ngô Thị Luyến (Học viện Hành chính Quốc Gia) - 10:55, 12/09/2020

Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Tận dụng thế mạnh này, những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), được thành lập. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tham gia các HTX, THT không chỉ giúp người dân yên tâm nuôi trồng thủy sản mà còn đem lại thu nhập ổn định
Tham gia các HTX, THT không chỉ giúp người dân yên tâm nuôi trồng thủy sản mà còn đem lại thu nhập ổn định

Hiện nay, các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La tập trung ở các huyện vùng lòng hồ thủy điện như: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu. Năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 2.792 ha, tăng 8,7% so với năm 2015, sản lượng ước đạt 8.826 tấn, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 121 triệu/ha tăng 33,6% so với năm 2015.

Ghi nhận tại Quỳnh Nhai, trên địa bàn huyện hiện có 46 HTX nuôi trồng thủy sản, với tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2.600 tấn thủy sản/năm với gần 10.000 hộ dân tham gia. Trong đó, có 10 HTX và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Điển hình như HTX Vận tải Hợp Lực, HTX tiêu biểu trong việc chuyển đổi kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập năm 2011 với 7 thành viên thực hiện kinh doanh dịch vụ vận tải. Song, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai phù hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2015, Ban Giám đốc HTX đã họp bàn với các thành viên, thống nhất chuyển đổi kinh doanh sang nuôi trồng thủy sản, với 10 thành viên. Tổng số vốn ban đầu là 6 tỷ đồng, HTX đầu tư 200 lồng nuôi cá kiên cố và các công trình phụ trợ, như: Nhà nổi, kho, nhà lạnh chứa cá tạp làm thức ăn cho cá...

Trong quá trình sản xuất, HTX đã mạnh dạn chuyển đổi theo hướng nuôi trồng các loại cá lăng, cá trắm đen... theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên với lợi nhuận bình quân đạt trên 20 triệu đồng/lồng. Đồng thời, HTX còn giải quyết việc làm cho 14 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, tại xã Mường Trai, huyện Mường La, THT nuôi cá lồng bản Bó Ban với 25 thành viên tham gia nuôi trồng thủy sản với 60 lồng cá với đa dạng các loại cá trắm, chép, rô phi… Nhờ nuôi hoàn toàn bằng cỏ và thức ăn hữu cơ, hạn chế nuôi cám công nghiệp nên cá lồng của THT luôn bảo đảm yếu tố sạch, thịt tươi ngon, được doanh nghiệp, thương lái ưa chuộng.

Khi đến mùa thu hoạch cá, doanh nghiệp và khách hàng đến tận nơi thu mua. Có thời điểm, THT còn không có sản phẩm bán ra thị trường. Hiện nay, các thành viên bán cá trắm ra thị trường với giá 80.000/kg, rô phi 70.000 đồng/kg, chép 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi thành viên lãi từ 150-200 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Phương, thành viên THT nuôi cá lồng bản Bó Ban, chia sẻ, từ năm 2018 đến nay, với 10 lồng cá, trừ mọi chi phí, mỗi năm tôi thu lãi trên 150 triệu đồng tiền bán cá giống và cá thương phẩm…

Được biết, giai đoạn 2017-2021, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều HTX, hộ dân khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đã đẩy mạnh nghề nuôi nuôi cá lồng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Tính đến nay, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ tiền làm 2.828 lồng cá với số tiền hỗ trợ 14 tỷ 140 triệu đồng cho trên 50 doanh nghiệp, HTX. Cùng với đó, bằng những nguồn vốn khác nhau, tỉnh Sơn La đã tổ chức thả trên 1.764.000 con cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa; tổ chức các đợt phổ biến, tuyên truyền quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản cũng như tác hại của việc khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Có thể thấy, với sự giúp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, các HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã kết nối được người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.