Sau hơn 10 năm hoạt động, với số vốn Điều lệ được UBND tỉnh Phú Thọ cấp ban đầu 5 tỷ đồng, đến nay Quỹ có tổng số vốn hoạt động là 15,3 tỷ đồng. Từ khi đi vào hoạt động đến hết tháng 5/2020 Quỹ đã cho vay 363 dự án, với tổng doanh số cho vay là 70,8 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng từ 2015 đến nay, tổng số dự án được vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ là 212 dự án (141 dự án là HTX chiếm 66,5% và 71 dự án là THT chiếm 33,5%) với tổng số tiền là 55,3 tỷ đồng.
Đáng mừng là, qua kiểm tra, giám sát cho thấy các HTX/THTđều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi, gốc đầy đủ đúng hạn theo Hợp đồng tín dụng; các dự án đều phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay và có nguồn thu từ dự án đầu tư.
Đơn cử, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh - Phù Ninh thành lập và đi vào hoạt động năm 2017. Lúc đầu HTX chỉ có 7 ha để trồng sen, thả cá với doanh thu gần 200 triệu đồng/năm. Năm 2018 HTX được Quỹ cho vay vốn 250 triệu đồng để thực hiện mở rộng dự án “Trồng sen - Thả cá” từ 7 ha lên 20 ha. Cuối năm 2019 HTX đã hoàn trả số vốn vay và tiếp tục làm đơn xin vay để mở rộng diện tích trồng sen từ 20ha lên 32ha. Hiện nay, HTX có doanh thu đạt trên một tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm 12 lao động, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hán Công Khanh - Giám đốc HTX cho biết, nhờ có nguồn vay vốn ưu đãi của Quỹ mà HTX chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô trồng sen sang các vùng lân cận để tăng sản lượng, từ đó tăng doanh thu, thu nhập cho thành viên và người lao động.
HTX dịch vụ nông nghiệp xã Gia Thanh - Phù Ninh chỉ là một trong số nhiều HTX được hưởng lợi từ việc vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ. Đến nay, hoạt động cho vay của Quỹ đã góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn và cải thiện hiệu quả về hoạt động sản xuất kinh doanh của rất nhiều HTX trong địa bàn tỉnh.
Theo đó, để đảm bảo hiệu quả của tín dụng, Quỹ đã tập trung lựa chọn các HTX có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tư vấn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn. Tỷ lệ giải ngân luôn đạt 100%, đảm bảo chất lượng, không chạy theo số lượng và bảo toàn nguồn vốn. Vì vậy đã tháo gỡ khó khăn một phần về vốn cho các HTX/THT.
Việc hỗ trợ vốn vay ưu đãi kịp thời cũng đã góp phần giúp các HTX tăng cường nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm, vừa nâng cao uy tín các mô hình kinh tế tập thể, tạo công ăn việc làm ổn định cho 1.350 thành viên và người lao động HTX/THT. Đồng thời tạo sự gắn kết các thành viên HTX/THT và nâng cao vai trò, vị thế của Liên minh HTX tỉnh.
Được sự giúp sức từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình HTX kiểu mới hoạt động sản xuất liên kết có hiệu quả như: HTX dịch vụ sản xuất rau an toàn Tứ Xã; HTX dịch vụ và chăn nuôi thỏ Hải Phong (Lâm Thao); HTX nông nghiệp Thượng Nông (Tam Nông); HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc (Tân Sơn); HTX sản xuất chế biến chè Đá Hen (Cẩm Khê)...Từ đó, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô liền vùng 10 ha trở lên, với tổng diện tích 8,7 ngàn ha, vùng sản xuất rau an toàn, tập trung với quy mô 375 ha; vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng và bưởi Diễn, vùng sản xuất chè, vùng nuôi thủy sản…
Đồng thời, trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo tiêu chí nâng cao thu nhập, chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất/19 Tiêu chí xây dựng NTM) cho người nông dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh…
Với những kết quả đạt được, được biết, trong thời gian tới, Văn phòng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ sẽ tham mưu với Hội đồng quản lý Quỹ tiếp tục xây dựng Đề án hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2020 - 2025 trình UBND tỉnh xem xét. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các HTX/THT làm thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ