Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Bình: Phát huy vai trò của HTX trong tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới

Nhật Minh - 15:39, 14/10/2020

Trong những năm qua, các HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho xã viên.

Sản xuất nấm sạch tại HTX Tuấn Linh xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình Ảnh: Tâm Phùng - Quang Bửu
Sản xuất nấm sạch tại HTX Tuấn Linh xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, Quảng Bình Ảnh: Tâm Phùng - Quang Bửu

Thành lập năm 2016 với vốn điều lệ là 3,1 tỷ đồng, Hợp tác xã (HTX) sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh ở xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch đã thành công trong việc ứng dựng tiến bộ kỹ thuật để trồng các loại nấm và sản xuất các sản phẩm từ nấm theo chuỗi.

Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết: HTX thực hiện dự án phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu giữa HTX với các hộ dân, tổ hợp tác trồng nấm trong tỉnh. Qua đó, tạo việc làm cho hơn 360 lao động ở các địa phương trong đó có cả người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo với mức thu nhập bình quân mỗi lao động gần 5 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, ngoài sản phẩm chế biến từ các loại nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi. Ðơn vị đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ nấm thương phẩm và sản phẩm chế biến từ nấm với Co.opmart ở một số tỉnh miền Trung, các cửa hàng nông sản trong và ngoài tỉnh Quảng Bình. Sản phẩm trà xanh linh chi của HTX đã xuất khẩu sang Thái-lan và Nga…

Tương tự, nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như giải quyết khó khăn về đầu ra cho người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tháng 3-2020, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Lệ Thủy ra đời. Từ khi thành lập, Liên hiệp HTX đã tạo mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương

Trước đây, các HTX tự tìm đầu ra cho các sản phẩm lúa gạo của mình. Vì vậy, lúa gạo của bà con thường bị các thương lái ép giá. Nay các HTX liên hiệp lại với nhau, thống nhất giá cả nên không còn bị thương lái ép giá nữa. Ngoài ra, các loại vật tư nông nghiệp cũng có giá rẻ hơn so với trước, chất lượng thì bảo đảm hơn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, một thành viên của HTX Thượng Phong thuộc liên hiệp HTX Lệ Thủy chia sẻ: Gia đình tôi có gần 0,5ha đất trồng lúa 2 vụ, mỗi năm thu hoạch trên 5 tấn lúa. Năm trước, do bị thương lái ép giá nên lúa của chỉ bán được 570 nghìn đồng/tạ thì năm nay từ khi tham gia vào liên hiệp HTX đã bán được giá 670 nghìn đồng/tạ. Một số lúa chất lượng cao như P6, Hương Việt, bán được giá 800 nghìn đồng/tạ…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 638 tổ hợp tác, 344 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, giao thông vận tải, xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch với trên 123.000 thành viên và trên 4.000 lao động tham gia, tổng nguồn vốn hoạt động là trên 5 tỷ đồng.

Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, hầu hết, các lĩnh vực hoạt động của các HTX đều đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản là nổi bật nhất với 235 HTX, 67.240 thành viên, 2.772 lao động, số vốn hoạt động 506.163 triệu đồng. Đa số HTX phát huy tốt vai trò sản xuất, hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, đáp ứng các khâu cơ bản của dịch vụ sản xuất nông nghiệp, tham gia dồn điền đổi thửa, hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân sản xuất theo quy hoạch.

Theo đó, thu nhập bình của quân lao động trong HTX đạt gần 4,4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2020, doanh thu mỗi HTX đạt bình quân 1,8 tỷ đồng, lãi 205 triệu đồng. Hàng năm, mức đóng góp của khu vực kinh tế tập thể bình quân chiếm 4% GRDP của tỉnh. Nhờ có HTX, một bộ phận lao động có việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập, giảm được các tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, trị an, an toàn xã hội ở địa phương, tích cực đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới, bộ mặt quê hương khởi sắc, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó.

Để đẩy mạnh phát triển các HTX, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình sẽ rà soát lại số lượng HTX trong toàn tỉnh để đề xuất giúp đỡ tháo gỡ những khó khăn của HTX. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ về cơ chế chính sách và nguồn lực, đặc biệt quan tâm các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, các HTX nông nghiệp sạch... Qua đó, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát huy vai trò, tác dụng của mình trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và dịch vụ hỗ trợ sản xuất của kinh tế hộ.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.