Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vùng đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đổi thay nhờ các Chương trình MTQG

Việt Hà - 2 giờ trước

Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) nói chung, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) nói riêng. Nhờ sự vào cuộc cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của Nhân dân, các chương trình MTQG được triển khai có hiệu quả, tạo sự phát triển toàn diện cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Từ nguồn vốn Dự án 1 - Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ, gia đình chị Ma Thị Âm ở thôn Tân Lập, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã xây được ngôi nhà ở kiên cố, khang trang.
Từ nguồn vốn Dự án 1 - Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ, gia đình chị Ma Thị Âm ở thôn Tân Lập, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình đã xây được ngôi nhà ở kiên cố, khang trang.

Từ thực tiễn tại cơ sở

Mới đây (ngày 9-10/11), tại huyện Lâm Bình, Phòng Văn hoá và Thông tin của huyện đã tổ chức Hội nghị tập huấn truyền thông, tuyên truyền vận động người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 thuộc Chương trình MTQG 1719. Hơn 200 đại biểu, gồm: Công chức xã phụ trách Văn hoá; Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Người có uy tín… ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tham gia Hội nghị đã được báo cáo viên truyền đạt một số chuyên đề trọng tâm, như: Các quy định của pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình; những quy định chi tiết về tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đồng thời các đại biểu cũng được thảo luận, chia sẻ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở.

Ông Ma Bá Kiều, Người có uy tín ở thôn Nà Coóc, xã Bình An chia sẻ, thông qua Hội nghị tập huấn, tôi cùng các học viên đã được truyền đạt các kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, từ đó nắm vững kiến thức để trở về thôn làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; giúp bà con hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia hưởng ứng các dự án, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn.

Được biết, trong những năm qua, công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Lâm Bình đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Nhiều chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo được triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Bà Chẩu Thị Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình thông tin, năm 2024, Lâm Bình được giao tổng nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên 76 tỷ 496 triệu đồng, trong đó có cả vốn chuyển từ năm 2023 sang. Tính đến ngày 6/11, huyện đã giải ngân nguồn vốn Chương MTQG 1719 được gần 25 tỷ 560 triệu đồng, đạt 33% kế hoạch. Tuy tiến độ giải ngân vốn Chương trình trên địa bàn huyện đạt chưa cao, nhưng nhiều hộ đồng bào đã được hưởng lợi từ các dự án, tiểu dự án của Chương trình mang lại.

Người dân là đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương phấn khởi nhận được hỗ trợ bồn nước sạch từ Chương trình MTQG 1719 . Ảnh: XT
Đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn ở xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương phấn khởi nhận được hỗ trợ bồn nước từ Chương trình MTQG 1719 . Ảnh: XT

Đơn cử như gia đình chị Ma Thị Âm ở thôn Tân Lập, xã Thổ Bình là hộ nghèo, chưa có nhà kiên cố để tránh nắng, trú mưa an toàn. Năm 2024, được Dự án 1- Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ cho 50 triệu đồng để hỗ trợ làm nhà (40 triệu đồng từ Chương trình MTQG 1719, 10 triệu đồng từ ngân sách địa phương). Gia đình vay mượn thêm họ hàng và được các tổ chức đoàn thể ở địa phương giúp đỡ ngày công, chị Âm đã xây dựng được căn nhà kiên cố, tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Có nhà mới, gia đình chị Âm đã “an cư lạc nghiệp”, để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Còn tại huyện Sơn Dương, với quyết tâm cao triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo Phòng Dân tộc cùng hệ thống chính trị từ huyện đến các xã rà soát kỹ cụ thể từng nội dung dự án, tiểu dự án. Trên cơ sở đó, xây dựng, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng xã để lồng ghép nguồn vốn, triển khai có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thành phần như yêu cầu của Chương trình đã đề ra.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương, cho biết: Huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ, lồng ghép các nguồn vốn thuộc 3 chương trình MTQG để triển khai đồng bộ trên địa bàn. Nhờ đó, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện. Đồng bào các DTTS có động lực để phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế; hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ chính sách thiết thực của Chính phủ. Hiện nay, Sơn Dương được đánh giá là huyện dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG. Huyện đề ra mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Toàn cảnh khu căn cứ cách mạng Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ảnh: TĐ
Toàn cảnh khu căn cứ cách mạng Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ảnh: TĐ

Góp phần thay đổi diện mạo chung của tỉnh

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn toàn tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ 10 dự án và 13 tiểu dự án của Chương trình. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang được giao nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên 2.203 tỷ đồng. Tính đến giữa năm 2024, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện giải ngân trên 1.132 tỷ đồng, đạt 51%. Từ nguồn vốn được giao, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 570 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của Nhân dân. Trong đó, đầu tư 178 công trình đường giao thông, 27 công trình thủy lợi, 9 công trình trường, lớp học, 3 công trình điện nông thôn, 12 công trình nước sinh hoạt, 15 công trình cầu, 30 công trình phụ trợ, cải tạo, xây dựng mới 10 công trình chợ, 70 công trình nhà sinh hoạt cộng đồng.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, năm 2024, tỉnh được giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 là 780.225 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư: 517.841 triệu đồng; vốn sự nghiệp: 262.384 triệu đồng). Tính đến tháng 10/2024, tỉnh đã giải ngân 393.842,2/1.137.779,0 triệu đồng, đạt 34,6% (trong đó có cả nguồn vốn từ năm 2023 chuyển sang).

Nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 cũng đã hỗ trợ nhà ở cho 1.276 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.517 hộ; hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ 13 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 4 dự án phát triển sản xuất cho cộng đồng… 100% các xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác đạt 99,9%. Từ khi triển khai Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 4%/năm.

Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ Chương trình MTQG 1719, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi được đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi và một số công trình khác được xây dựng. Nhiều hộ được hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán… Từ đó, giúp người dân vùng đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Năm 2025 là năm cuối cùng của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng của người dân, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án trong vùng đồng bào DTTS, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền, phấn đấu đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Tuyên Quang phát triển toàn diện, vượt bậc về mọi mặt.

Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.