Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Sóc Rừng bừng sáng

Tam Anh - 09:50, 27/10/2020

Với sự hỗ trợ hiệu quả của các chính sách giảm nghèo cùng nỗ lực vươn lên của từng hộ dân... ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) đã thực sự chuyển mình bừng sáng.

Người dân ấp Sóc Rừng thu hoạch nhãn Ido
Người dân ấp Sóc Rừng thu hoạch nhãn Ido

Một thời khó khăn 

Dẫn chúng tôi đi thăm quan địa bàn do mình quản lý, ông Trần Văn Thảo, 64 tuổi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Sóc Rừng nhớ lại: Ấp này từng là địa phương nghèo nhất tỉnh bởi có trên 80% hộ dân là người dân tộc Khmer không đất sản xuất. Đã vậy, tệ nạn uống rượu, cờ bạc, mê tín dị đoan xảy ra thường xuyên tại địa phương. Thêm vào đó là tập quán canh tác lạc hậu nên cái nghèo cứ đeo bám đời sống người dân, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức trên 40%.

Trước đây chúng tôi đã nhiều lần đến ấp Sóc Rừng cập nhật thông tin viết bài phản ánh về đời sống đặc biệt khó khăn của người dân Khmer ở ấp nghèo nhất tỉnh Vĩnh Long. Đi đâu cũng bắt gặp những con đường đất nhỏ hẹp, sình lầy trơn trượt, xe 2 bánh không thể lưu thông trong mùa mưa. Cả ấp có số nhà kiên cố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cùng với đó, những cây cầu tạm bợ luôn là nỗi ám ảnh cho người dân mỗi khi đi qua, học sinh đến lớp. Do người lớn phải lo cái ăn hằng ngày nên ít quan tâm đến việc học của con trẻ, vì thế tình trạng trẻ em bỏ học xảy ra phổ biến. 

Bà Thạch Thị Phơn, 86 tuổi, dân tộc Khmer ngụ tại ấp Sóc Rừng nhớ lại: “Bà con ở đây nghèo lắm, nhất là các hộ xa đường chính thì không có điện, không có nước sạch mà xài. Ban đêm chỉ xài đèn dầu, đèn bình ắc quy. Còn nước uống thì cứ múc nước sông lên lóng phèn mà sử dụng. Đi đâu cũng dùng xuồng, ghe. Khổ nhất là nửa đêm có người đau ốm đột xuất, lại vào đúng mùa nước cạn thì ghe xuồng cũng không đi lại được, rất cực khổ”.

Bên cạnh đó, nhiều hộ còn sử dụng vốn vay dành cho người dân tộc theo các chương trình hỗ trợ của Nhà nước không đúng mục đích, tiêu xài lãng phí dẫn đến trắng tay. Nghèo vẫn hoàn nghèo!

Sóc Rừng bừng sáng

Về Sóc Rừng bây giờ không thể tìm được bất kỳ một cây cầu tạm bợ nào như trước, thay vào đó là những cây cầu xi măng kiên cố, những con đường bê tông hay trải nhựa để người và phương tiện đi lại dễ dàng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn dưới 9%; trên 97% hộ dân có điện lưới quốc gia; trên 95% có nước sạch sinh hoạt; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Hầu hết thanh niên trong tuổi lao động đều có việc làm ổn định… Những hộ gia đình chí thú làm ăn đều được xem xét, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Điều đáng mừng là các tệ nạn cờ bạc, số đề, đá gà… đã chấm dứt. Người dân Sóc Rừng chung tay bảo vệ tốt an ninh trật tự tại địa phương, nỗ lực xây dựng xã Loan Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra, họ còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách nhanh chóng, bài bản, căn cơ. Cùng với đó phải kể đến sự quyết liệt vào cuộc của tập thể 13 đảng viên đang tham gia sinh hoạt, của hệ thống sư sãi các chùa Nam tông Khmer đã nỗ lực rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hiện nay, 59ha đất ruộng đều được người dân Sóc Rừng canh tác bằng giống lúa cao sản; 43ha vườn được trồng mới cam sành, cam xoàn, nhãn Ido… trên 5ha mặt nước được nuôi ếch thịt, ếch giống, cá chạch lấu đang phát huy hiệu quả kinh tế. Toàn ấp hiện có trên 20 hộ chăn nuôi dê với trên 200 con dê bố mẹ; hơn 100 con bò sinh sản và hàng trăm bò thịt khác. Tất cả đã tạo nên một bức tranh xanh, sạch, đẹp, ấm no, hạnh phúc trên vùng đất từng nghèo nhất tỉnh Vĩnh Long này.

Ông Thạch Quân, ngụ tại ấp Sóc Rừng cho biết: “Bà con Khmer ở đây rất biết ơn Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.