Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào Cống ở Điện Biên: “Luồng gió” mới (Bài 1)

H. Minh - T. Hồng - 10:18, 14/10/2020

Năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án). Sau gần 7 năm triển khai thực hiện, cuộc sống của đồng bào Cống ở 3 huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé và Điện Biên đang có những thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, để đời sống của bà con phát triển bền vững, vẫn cần rất nhiều sự đầu tư, quan tâm của Đảng, Nhà nước .

Cây cầu treo ở bản Púng Pon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên được xây dựng bằng nguồn vốn của Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013-2020
Cây cầu treo ở bản Púng Pon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên được xây dựng bằng nguồn vốn của Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2013-2020


Những ngôi nhà kiên cố, những cây cầu treo qua suối, những màn hình tivi có màu… là hình ảnh sinh động nhất cho sự đổi thay của cuộc sống đồng bào dân tộc Cống hôm nay. Sự thay đổi đó cũng chính là kết quả cho những chính sách đặc thù của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào Cống và hơn hết là ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

Đổi mới để thoát nghèo

Được Chủ tịch UBND xã Nậm Kè Giàng A Ly dẫn vào thăm bản Nậm Kè, nơi sinh sống của 67 hộ đồng bào dân tộc Cống ở huyện Mường Nhé, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi những hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy trước mắt những ngôi nhà sàn khang trang, kiên cố; các chuồng trại chăn nuôi, vườn tược được bà con trong bản quy hoạch, xử lý hợp lý, bảo đảm vệ sinh môi trường… 

Vừa đặt chân vào đầu bản, tiếng máy xay ngô rộn ràng của gia đình anh Lò Văn Thêm đã giúp chúng tôi cảm nhận được sự no ấm. Vừa giúp vợ chuyển những bao ngô ra chỗ máy xay, anh Thêm vừa kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của gia đình anh vài năm trở lại đây. 

“Ngày trước ngô phải xay bằng tay, cả ngày mới đủ thức ăn cho lợn, nhưng từ khi có chiếc máy xay, chỉ cần xay trong 1 tiếng, thì đủ thức ăn cho lợn cả ngày. Chiếc máy này là do vợ chồng tôi mua cũng được gần 1 năm nay”. Hiện, gia đình anh Thêm còn có đàn lợn giá trị gần 40 triệu đồng. Cũng nhờ nuôi lợn mà thời gian qua, gia đình anh sắm được tivi, xe máy.

Chúng tôi ghé thăm ngôi nhà đẹp nhất, mới nhất trong bản của gia đình anh Hù Văn Ðẹp. Anh Đẹp được xem là điển hình cho tư duy đổi mới, hiện thực hóa ước mơ thoát nghèo từ hai bàn tay trắng. Trong ngôi nhà sàn còn thơm mùi gỗ, anh Ðẹp kể lại khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình mình: Xuất phát từ cái nghèo, nhất là nghèo con “chữ” nên chúng tôi không có thông tin gì để làm ăn, không biết trồng cây gì, không biết cày cấy… Vì thế, nhiều năm liền, gia đình tôi và các hộ khác trong bản luôn thiếu trước hụt sau, trông đợi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. May mắn, nhờ sự trợ giúp từ các chính sách của Ðảng và Nhà nước, chúng tôi đã biết phát triển chăn nuôi, trồng trọt. 

“Tôi còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện để đầu xây dựng chuồng trại, mua trâu, bò giống về chăn nuôi, mở rộng diện tích lúa nước... Bây giờ cuộc sống cũng đã ổn định rồi…”, anh Đẹp chia sẻ.

Sự ấm no của gia đình anh Thêm, anh Đẹp chỉ là hai trong nhiều niềm hạnh phúc khác ở bản Nậm Kè hôm nay. Mỗi nếp nhà mới mọc lên là kết quả rõ nét nhất của việc thực hiện những chính sách đặc thù dành riêng cho đồng bào dân tộc Cống. Người dân đã ổn định sản xuất và sinh hoạt, không còn hiện tượng du canh, du cư. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày một cải thiện, tỷ lệ nghèo giảm rõ rệt. Đó chính là minh chứng cho ý chí, khát vọng thoát nghèo của đồng bào dân tộc Cống nơi đây.

Những chiếc máy xay ngô giúp bà con ở bản Nậm Kè, xã Nậm kè, huyện Mường Nhé chăn nuôi dễ dàng hơn
Những chiếc máy xay ngô giúp bà con ở bản Nậm Kè, xã Nậm kè, huyện Mường Nhé chăn nuôi dễ dàng hơn

Thêm sức bật từ chính sách đặc thù

Dân tộc Cống là dân tộc nằm trong số 16 dân tộc rất ít người của Việt Nam. Hiện toàn tỉnh Điện Biên có gần 200 hộ dân tộc Cống với hơn 900 nhân khẩu. Đồng bào Cống sinh sống rải rác ở 5 bản của 3 xã trên địa bàn 3 huyện, gồm: Bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), bản Huổi Moi, Si Văn và Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên).

Năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 105/QÐ-UBND về việc phê duyệt Ðề án “Phát triển KT-XH vùng dân tộc Cống tỉnh Ðiện Biên” giai đoạn 2013 - 2020 với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng.

Khi Đề án được triển khai, các công trình điện, đường, trường, trạm được ưu tiên hàng đầu để phù hợp nhu cầu đời sống và nguyện vọng của người dân. Hiện nay đã thực hiện được 16 công trình: 3 công trình san nền, giao thông, thoát nước; 2 công trình cầu treo; 5 công trình đường giao thông; 2 công trình điện sinh hoạt... 

Ðặc biệt, Ðề án cũng thực hiện hỗ trợ điều kiện sống (giai đoạn 2014 - 2020 hỗ trợ thiếu đói giáp hạt hơn 1,5 tỷ đồng); phát triển sản xuất (hỗ trợ mua giống, vật nuôi trị giá 850 triệu đồng); chăm sóc sức khỏe Nhân dân; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần... Nhờ đó, các bản dân tộc Cống trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có những bước chuyển mình rõ rệt, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 78,8% (năm 2012) xuống còn 52% (năm 2020). 

 Đánh giá kết quả sau gần 7 năm thực hiện Đề án, bà Chu Thùy Liên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Đề án đã thật sự mang “luồng gió” mới đến vùng đồng bào dân tộc Cống, nhiều công trình được lựa chọn triển khai đáp ứng mong mỏi của người dân, góp phần giải quyết khó khăn về giao thông, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.