Xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là vấn đề cơ bản, lâu dài, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, tỉnh Phú Yên đã tập trung nguồn lực đầu tư cho miền núi, với tổng nguồn lực thực hiện trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng hơn 574 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 473 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 85 tỷ đồng, huy động trong dân và các nguồn vốn khác gần 17 tỷ đồng.
Theo đó, Phú Yên đã triển khai đầu tư 33 danh mục dự án, công trình với tổng kinh phí hơn 142 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương 117,7 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, các địa phương đã triển khai xây dựng hoàn thành một số công trình đường giao thông liên thôn, liên xã; trường học… góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ cho thông thương hàng hóa, vận chuyển nông sản…
Nhờ đó, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm khu vực miền núi đạt 11,5 - 12%, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS đạt 14 - 16 triệu đồng/người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40% (trong đó, đào tạo nghề chiếm 25%); giải quyết việc làm cho 2.500 - 3.000 lao động hằng năm.
Đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo DTTS là 3.582 hộ, chiếm 34,87% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 24,98% so với hộ DTTS trên địa bàn. Từ 16 xã và 29 thôn, buôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2020 toàn tỉnh còn 15 xã ĐBKK và 18 thôn, buôn ĐBKK.
Bà Nguyễn Hồng Nhung ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) phấn khởi cho hay: Xưa không có đường, mỗi lần thu hoạch mía, sắn, công thu hoạch cao và tiền xe vận chuyển cũng cao. Từ khi có đường, tiền công giảm được 20.000 - 40.000 đồng/tấn mía, xe 10 tấn cũng chỉ phải trả 1 triệu đồng/xe thay vì 1,3 triệu đồng/xe như trước.
“Một số loại rau, củ, quả như xoài, chuối… khách tới tận rẫy để mua. Họ tự lựa, tự cân nên tâm lý thoải mái, vui vẻ. Tôi bán được nhiều hơn mà không mất chi phí vận chuyển ra đường lớn như trước”, bà Nhung cho biết thêm.
Đặc biệt, thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi, tỉnh đã hỗ trợ cho 43.747 lượt người dân là hộ nghèo ở vùng khó khăn, với tổng kinh phí 31,5 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt cho 529 hộ, với kinh phí thực hiện hơn 4,2 tỷ đồng; bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ DTTS hơn 2,2 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi 33 tỷ đồng với 631 lượt hộ vay… góp phần giúp người dân vùng khó khăn có điều kiện ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Phú Yên đặt mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS của tỉnh toàn diện, nhanh, bền vững, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng ĐBKK, từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, vùng động lực. Phấn đấu bình quân mỗi năm khu vực miền núi giảm 4 - 5% hộ nghèo, riêng vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm 5 - 6% hộ nghèo.