Với mục tiêu sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới, Đề án 79 đã bố trí, sắp xếp ổn định tại chỗ, hỗ trợ phát triển sản xuất ổn định đời sống cho nhiều hộ dân di cư đến Mường Nhé. Sau 8 năm triển khai Đề án, giờ đây đời sống của bà con ở vùng đất mới đang dần thay đổi, từng bước ổn canh, ổn cư.
Không còn cảnh du canh, du cư
Xã Mường Toong có 7 bản tái định cư theo Ðề án 79. Hơn 200 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông di cư tự do, đã được chính quyền và các đơn vị chủ đầu tư bố trí chỗ ở, đất sản xuất nông nghiệp từ năm 2014. Khi mới di chuyển về nơi ở mới, 100% đều là hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng nhờ chính quyền tuyên truyền vận động, người dân từng bước ổn định nhà cửa, bắt tay vào "lập nghiệp".
Đặc biệt từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, như: Nghị quyết 30a, Chương trình 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con tái định cư, xóa đói, giảm nghèo và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Anh Phàng A Dế, bản Mường Toong 9 (xã Mường Toong) phấn khởi nói: Gia đình tôi chuyển từ điểm bản Tá Phì Chà (xã Chung Chải), về bản Mường Toong 9 sinh sống đã được vài năm. Được ở trong ngôi nhà khang trang, con cháu được đến lớp... Ðược cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giúp gia đình ổn định lâu dài, gia đình đã không di cư tự do nữa.
Còn gia đình ông Vàng Só Tủa, chuyển từ bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn đến bản Mường Toong 6, được chính quyền địa phương cấp đất ở và 2 ha đất làm nương, gia đình ông đã thoát cảnh sống tạm bợ, lén lút ven những cánh rừng.
Nơi ở mới đầy đủ các điều kiện thiết yếu, đã giúp bà con yên tâm định cư và tập trung phát triển sản xuất, cuộc sống của các hộ dân không còn phải sống những tháng ngày “nay đây, mai đó” và đối diện với tình trạng ốm đau, bệnh tật và thất học.
Ông Thào A Dế, Quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Ðể người dân an cư lập nghiệp trên vùng đất mới, Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, tiến hành khảo sát thực địa bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho người dân. Đến nay, đã bố trí sắp xếp được 1.016/1.079 hộ, đạt 94,16% so với mục tiêu đề án phê duyệt; tổng diện tích đất đã thu hồi 1.343ha, bố trí đất ở cho 634 hộ với diện tích 107ha; đất sản xuất 1.236ha cho 528 hộ. Đặc biệt, đã di chuyển các hộ dân ở vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn và một số hộ ở khu vực rừng phòng hộ để ổn định dân cư tập trung.
Từng bước ổn định đời sống
Song song với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, từ nguồn kinh phí của Đề án, đã đầu tư xây dựng 149 công trình, trong đó, 51 công trình đường giao thông, 44 công trình nước sinh hoạt, 28 công trình nhà lớp học và 21 công trình thủy lợi... với tổng mức đầu tư 1.071,608 tỷ đồng; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 62,43% (giảm 12,66 % so với năm 2015).
Ðặc biệt, cùng với thực hiện di chuyển, sắp xếp dân cư tại các điểm bản, huyện Mường Nhé và các chủ đầu tư đã thực hiện hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng quy định các chính sách theo đề án được duyệt như: Hỗ trợ di chuyển 488 hộ, làm nhà ở bằng nguồn vốn của Ðề án cho 805 hộ; mua sắm dụng cụ sản xuất, dụng cụ sinh hoạt cho 577 hộ; hỗ trợ gạo cho 196 hộ dân di chuyển đến nơi ở mới, ban đầu chưa tự túc được lương thực... tổng nguồn vốn hỗ trợ thuộc Ðề án là 204,686 tỷ đồng.
Anh Mùa Á Sài, Trưởng bản Húi To 2 (xã Chung Chải) chia sẻ: Sau khi chuyển về nơi ở mới, được san lấp mặt bằng, hỗ trợ vốn làm nhà; cây, con giống, nông cụ sản xuất; xây dựng các công trình thủy lợi, nhà lớp học, đường giao thông... Ðặc biệt, chúng tôi còn được bố trí đất sản xuất nên đời sống người dân ngày càng phát triển, nhiều hộ chăm chỉ làm ăn đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Theo ông Lỳ Đồng Tá, Chủ tịch UBND xã Chung Chải, trên địa bàn xã Chung Chải có 7 bản hưởng lợi theo Đề án 79. Theo Đề án của Chính phủ mỗi hộ dân được cấp 400m đất ở và 2ha đất sản xuất. Bà con được đến nơi ở mới, có đất sản xuất đời sống bước đầu được ổn định nên người dân rất phấn khởi.
Có thể thấy rằng, với sự trợ giúp đắc lực từ Ðề án 79, nhiều bản đồng bào các DTTS trên dải biên cương Mường Nhé đã và đang dần “thay da đổi thịt”; cuộc sống người dân đã đi vào nền nếp, ổn canh, ổn cư. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, từng bước xóa đỏi giảm nghèo, có cuộc sống ổn định thì vẫn còn nhiều gian khó.
Thực hiện Đề án 79 về việc sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, dưới chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên, Ban Chỉ đạo Đề án đã phối hợp với các đơn vị và chủ đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, thực hiện các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp với điều kiện cuộc sống của người dân.
Đề án đã góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình; mức sống và thu nhập của người dân tại nơi ở mới được nâng cao hơn so với nơi ở cũ; nhận thức, tập quán canh tác sản xuất của người dân vùng Đề án dần được thay đổi; góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, giảm từ 74,02% năm 2015 xuống còn 58,43% năm 2020.
Hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, công trình công cộng tại các xã, bản phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân được đầu tư xây dựng mới; với 80 công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu cuộc sống của Nhân dân hoàn thành đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả thiết thực (đường liên bản, cầu dân sinh, nhà văn hóa, lớp học, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt…) 24/31 điểm bản của Đề án đã được sử dụng điện lưới quốc gia...
Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường; chính trị, xã hội ổn định; năng lực cán bộ cấp ủy, chính quyền các xã, bản, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, Người có uy tín được được nâng lên; công tác cấp hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân cho Nhân dân các bản của Đề án được chú trọng; đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, kết nạp đảng cho quần chúng ưu tú xóa bản trắng đảng viên, bản chưa có tổ chức đảng ở các bản của Đề án 79 nhằm xây dựng và lấp đầy khoảng trống chính trị ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó chủ quyền biên giới, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo đã tạo niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé