Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhiều phụ nữ vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển: 26,56% phụ nữ không biết đọc, biết viết; 7,2% số lao động nữ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật; khoảng 26% phụ nữ đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (phụ nữ dân tộc Kinh là 56%).
Hiện nay, nhóm dân số nghèo nhất tập trung ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi sinh sống của rất nhiều đồng bào DTTS. Sinh kế phụ thuộc vào đất đai, song phụ nữ DTTS vùng sâu vùng xa lại rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng tới nguồn tài nguyên đất và vốn. Do vậy, họ có rất ít cơ hội tự quyết định các vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống như nghề nghiệp.
Ví dụ như ở Bắc Kạn, đồng bào DTTS có tới 95% là hộ nghèo đa chiều. Hiện nay, tỉnh có có 1.800ha diện tích chuối, loại cây này cũng được định hướng trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương để thoát nghèo. Trong đó, phụ nữ tham gia trồng chuối rất nhiều và họ thường bị ép giá do phụ thuộc vào người vận chuyển, thương lái và đơn vị xuất khẩu.
Trên thực tế, tại vùng đồng bào DTTS những mô hình phát triển kinh tế hay, sáng tạo của phụ nữ còn tự phát, manh mún, chất lượng sản phẩm chưa bảo đảm, chưa áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Trong khi đó, sinh kế hộ gia đình cùng các định kiến truyền thống về vai trò nam - nữ khiến phụ nữ DTTS gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và ra các quyết định liên quan đến sinh kế khiến họ càng khó có tiếng nói tập thể trong chuỗi giá trị. Vì vậy, đói nghèo và bất bình đẳng vẫn tồn tại với phụ nữ DTTS khi phải đối mặt với những rào cản về xã hội và kinh tế.
Theo ý kiến của một số các chuyên gia, cần phải nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của phụ nữ và nhu cầu của phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phân loại hộ nghèo theo từng nguyên nhân để có các giải pháp tác động phù hợp, thiết thực. Đồng thời, phải chú trọng tuyên truyền giúp phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, ngày công, khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình.
Về phía giải pháp tổng thể, các cơ quan chức năng cần phân tích các chính sách hiện hành; đề xuất sửa đổi những bất cập của chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế ở vùng DTTS nói chung, chính sách đối với phụ nữ DTTS nói riêng. Từ đó, tiếp tục rút ngắn dần khoảng cách giữa vùng đồng bào dân tộc miền núi với vùng đồng bằng, khoảng cách giữa các cộng đồng dân tộc, khoảng cách giữa người đàn ông và người phụ nữ DTTS.