Hội thảo đã tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: Tham vấn ý kiến về các nội dung đề xuất lồng ghép giới trong các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia; Đề xuất các nội dung, hoạt động cần phải có trong các dự án thành phần để bảo đảm bình đẳng giới phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương; Xác định nhu cầu, phương thức, nội dung hoạt động cụ thể của dự án/tiểu dự án giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu Quốc gia…
Với 10 nội dung tham vấn đề xuất lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia, Hội LHPN Việt Nam đã có những đề xuất riêng cho từng dự án. Cụ thể, với Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo đề xuất cần nâng cao nhận thức của phụ nữ và nam giới DTTS về BĐG, quyền bình đẳng trong sở hữu và ra quyết định về đất đai và tài sản của hộ gia đình; nâng cao năng lực cho tổ chức đại diện của phụ nữ DTTS tại địa phương để đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định.
Dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đề xuất cần phải nâng cao năng lực cho phụ nữ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ là người DTTS về trình độ ngoại ngữ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường trong và ngoài nước.
Dự án phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đề xuất tăng cường cung cấp các dịch vụ giáo dục và giáo dục nghề nghiệp có nhạy cảm giới ở các vùng DTTS và miền núi đề xuất tăng cường hệ thống giáo dục chuyên biệt có đáp ứng giới; tăng cường dạy nghề tại chỗ; mở rộng nhiều loại hình đào tạo nghề nghiệp…
Sau khi nghe các đề xuất từ Hội LHPN Việt Nam cho các dự án, các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Hội thảo khẳng định, để phụ nữ không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển rất cần thiết phải có biện pháp thúc đẩy BĐG trong khuôn khổ Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền nên đầu tư nguồn lực cho các chính sách hỗ trợ có điều kiện với phụ nữ DTTS gồm: hỗ trợ cộng đồng DTTS rất ít người giải quyết vấn đề hôn nhân cận huyết; dịch vụ hỗ trợ chương trình làm mẹ an toàn cho vùng DTTS; hỗ trợ xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho phụ nữ từ 35 đến 50 tuổi thông qua mô hình sinh kế bền vững; hỗ trợ cho phụ nữ DTTS tái hòa nhập…
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cho rằng, Hội LHPN Việt Nam cần phải xác định rõ mục tiêu, phân định Đề án, những tiêu chí phát triển con người. Vấn đề lồng ghép giới cần được tập trung vào những vấn đề cụ thể như: về giáo dục cần có những trung tâm đào tạo cán bộ DTTS chất lượng cao; về y tế cần nâng cao vai trò của cô đỡ thôn bản... Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, đồng thời đề nghị Hội LPHP cần tiếp thu những ý kiến đó trong quá trình triển khai các dự án.