Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hoàn thiện chính sách phòng chống bạo lực gia đình: Chìa khóa thúc đẩy bình đẳng giới

PV - 15:56, 08/03/2018

Ngày 01/7/2008, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) chính thức có hiệu lực. Nhưng sau gần 10 năm, BLGĐ vẫn là một thực trạng báo động ở nước ta, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Dù ai cũng biết BLGĐ là phạm pháp nhưng nó vẫn tồn tại phổ biến.

Những con số “biết nói”

Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), từ năm 2012 đến nay, cả nước xảy ra gần 130 nghìn vụ BLGĐ. Trong đó, nam giới chiếm hơn 83% đối tượng gây BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ BLGĐ.

BLGĐ đặc biệt đáng báo động ở vùng DTTS và miền núi. Kết quả phân tích số liệu từ kết quả cuộc điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS được UBDT đưa ra cuối tháng 11/2017 (tại Hội thảo chia sẻ kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS năm 2015 từ góc độ giới) cho thấy, có tới 58,6% phụ nữ DTTS từ 15-49 tuổi tin rằng chồng có quyền đánh vợ vì bất kỳ lý do nào.

Phụ nữ DTTS thường bị yếu thế hơn trong gia đình. (Ảnh minh họa) Phụ nữ DTTS thường bị yếu thế hơn trong gia đình. (Ảnh minh họa)

 

Cũng vì phụ nữ DTTS “tin” như vậy nên những vụ việc bạo hành của người chồng gần như rất khó bị phát hiện. Chỉ có những trường hợp gây thương vong thì hành vi BLGĐ mới được đưa ra pháp luật.

Dẫn trường hợp vợ chồng Lầu Bá Chơ và Vừ Y Nênh, trú ở xã Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) làm ví dụ. Hai vợ chồng đều mới 28 tuổi nhưng đã có với nhau 4 người con. Sáng 29/4/2017, Chơ đi từ nhà lên rẫy gọi vợ về nhà anh trai giúp soạn sửa để “làm vía” cho gia đình. Do đang bận làm rẫy, chồng lại không nói trước nên Nênh không chịu về, liền bị Chơ dùng tay đánh. Nênh bỏ chạy thì Chơ đuổi theo bắt được, dùng cuốc đánh cho đến khi Nênh bị ngất xỉu.

Nghĩ vợ đã chết nên Chơ bỏ về nhà. Đến khoảng 13 giờ chiều cùng ngày, chị Nênh tỉnh dậy và cố gắng bò từ rẫy về nhà. Gần đến nhà thì gặp hai người dân trú cùng xã, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện cấp cứu; kết quả chị bị tổn hại sức khỏe 14%.

Những tình tiết trong vụ việc đã được cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn làm rõ. Hành vi của Lầu Bá Chơ là giết người ở giai đoạn chưa đạt. Vì vậy, ngày 06/9/2017, trong phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Lầu Bá Chơ 6 năm tù giam về tội “Giết người”.

Một tình tiết đáng chú ý trong phiên xét xử sơ thẩm là Lầu Bá Chơ xin được giảm án để sớm trở về với vợ và con nhỏ. Khi Hội đồng xét xử vào nghị án, Chơ quay xuống nói với vợ là trong thời gian bị tạm giam rất nhớ vợ con. Chơ dọa vợ là nếu Chơ đi tù thì “không được bỏ Chơ đâu, nếu bỏ thì phải đền đấy”.

Chỉ một chi tiết nhỏ này cũng đã khắc họa khá chân thực vị trí của người phụ nữ DTTS trong gia đình. Như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc), phụ nữ và trẻ em gái DTTS là đối tượng bị yếu thế hơn trong gia đình, cộng đồng, xã hội. Họ đang phải đối mặt với rất nhiều sự phân biệt đối xử và chịu bất bình đẳng “kép” cả về dân tộc và về giới. Sự bất bình đẳng xuất phát từ chính điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống và cả những quan niệm lạc hậu đã ăn sâu vào nếp nghĩ của cả cộng đồng DTTS bao đời nay.

Tăng “chống” để “phòng”

Về lý thuyết, đã có nhiều quy định của pháp luật để phòng, chống BLGĐ. Trước hết là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, có hiệu lực từ ngày 01/7/2008; Luật Bình đẳng giới năm 2006. Kế đến là Nghị định số 08/2009/NĐ-CP, ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 theo Quyết định số 215/QĐ-TTg, ngày 06/02/2014. Ngoài ra, Bộ Luật Tố tụng Hình sự cũng có những quy định xử lý liên quan đến BLGĐ…

Nhưng thực tế, BLGĐ vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội. Ngoài nguyên nhân do quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu trong nếp nghĩ của cộng đồng thì những bất cập trong quy định pháp luật cũng khiến cho tình trạng BLGĐ rất khó ngăn chặn.

Đầu tiên phải kể đến là chế tài xử lý hành vi BLGĐ chưa đủ sức răn đe. Các hành vi BLGĐ (hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, cưỡng ép,…) chỉ bị xử phạt hành chính, với mức rất thấp, từ 100-300 nghìn đồng (quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống chữa cháy; phòng, chống BLGĐ).

Để xử lý hình sự đối với các hành vi BLGĐ cũng không hề dễ dàng. Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với các hành vi cố ý gây thương tích thì yêu cầu tỷ lệ thương tật phải từ 11% trở lên; mức xử phạt cũng rất nhẹ (cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm). Đó là chưa kể, để xử lý hình sự hành vi BLGĐ, ngoài quy định giám định tỷ lệ thương tật thì còn phải có đơn yêu cầu của người bị hại.

Dẫn trường hợp Lầu Bá Chơ nêu trên thì thấy rõ điều này. Hành vi của Chơ xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ (vợ không nghe lời về giúp gia đình sửa soạn để “làm vía”), Chơ đã dùng cuốc đánh vợ bị thương tật 14% sức khỏe. Ngoài ra, Chơ bỏ mặc vợ ngất xỉu ở rẫy là một tình tiết tăng nặng nên Chơ bị quy vào tội “Giết người”; mức xử lý hình sự cũng chỉ 6 năm tù giam.

Nhiều ý kiến cho rằng, BLGĐ chính là một biểu hiện của sự bất bình đẳng giới, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Do đó, công tác “phòng” vẫn là khâu chính, là giải pháp căn cơ để giảm thiểu BLGĐ.

Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng để “phòng” thì điều đầu tiên là phải “chống” BLGĐ bằng những chế tài xử lý đủ sức răn đe. Bởi BLGĐ là những hành vi vừa cụ thể, hữu hình, lại vừa mơ hồ, rất khó định lượng. Bởi thế, việc hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến việc phòng, chống BLGĐ là rất cần thiết; trước mắt là xây dựng chế tài đủ mạnh để “chống” những hành vi BLGĐ cụ thể để “phòng” những hành vi khó định lượng. Điều này cũng góp phần quan trọng để tạo sự đột phá trong công tác bình đẳng giới.

Trong tháng 3/2018, Tổng cục Thống kê sẽ thực hiện cuộc điều tra quốc gia lần thứ hai về sức khỏe phụ nữ và kinh nghiệm sống. Kết quả điều tra được kỳ vọng giúp các nhà hoạch định chính sách ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, các cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.