Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, bình đẳng giới là sự tiến bộ của xã hội trong ứng xử đối với phụ nữ của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Luật Bình đẳng giới và đạt được nhiều thành tựu.
Theo Báo cáo tình hình thực hiện công tác bình đẳng giới vùng DTTS cho thấy, ngay khi Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018- 2025 được ban hành, UBDT đã chủ động xây dựng kế hoạch và có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Đề án. Công tác giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới tại vùng DTTS được thực hiện thường xuyên; công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện công tác bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ được quan tâm triển khai; xây dựng các mô hình điểm về bình đẳng giới tại các xã miền núi, vùng cao còn tồn tại một số phong tục tập quán ảnh hưởng trực tiếp đến bình đẳng giới.
Năm 2018 UBDT xây dựng 8 mô hình điểm về bình đẳng giới; triển khai nhiều hoạt động bao gồm: cung cấp thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới; hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội cho phụ nữ DTTS…
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, trong quá trình triển khai Đề án vẫn còn gặp nhiều khó khăn: đối tượng và phạm vi thực hiện Đề án nằm trong vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn; kinh phí bố trí cho Đề án hạn hẹp; chính quyền địa phương nhiều vùng DTTS chưa quan tâm đến công tác bình đẳng giới…
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả công tác bình đẳng giới như: Hỗ trợ kinh phí cho các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả về bình đẳng giới; nội dung tuyên truyền của các câu lạc bộ cần phong phú hơn; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở….
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc tại địa phương chủ động lồng ghép các nội dung của Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 trong công tác xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách dân tộc; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai hiệu quả công tác bình đẳng giới; tiếp tục tổ chức xây dựng mô hình bình đẳng giới với nhiều nội dung phòng phú tại địa phương.
Các ý kiến trao đổi thảo luận tại Hội nghị sẽ được UBDT tổng hợp, nghiên cứu lồng ghép vào các nội dung chính sách trong Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.
HỒNG MINH