Tại tỉnh Quảng Trị có 2 DTTS đang sinh sống là Bru-Vân Kiều và Tà-ôi với trên 76 nghìn người, trong đó có hơn 12 nghìn phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Thông qua Hội, chị em phụ nữ được tham gia dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý ngân sách nhà nước”. Từ đó giúp các chị em có thêm cơ hội để nâng cao được tiếng nói của mình qua các việc làm cụ thể.
Đơn cử như câu chuyện của chị Hồ Thị Nghĩa, thôn BaZe, xã Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã tự tin chất vấn đại biểu HĐND xã về ngân sách để làm đường bê tông liên thôn. “Trước đây, tôi vẫn nghĩ ngân sách nhà nước là việc của Nhà nước, không liên quan gì đến cuộc sống của mình. Nhưng khi được tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân, tôi nhận ra để những chính sách của Nhà nước thiết thực hơn thì tiếng nói của người dân chính là cơ sở để hoàn thiện chính sách đó”, chị Nghĩa chia sẻ.
Hiện nay, chị Hồ Thị Nghĩa và nhóm cộng đồng trong thôn đã mạnh dạn tham gia giám sát các chính sách công, công trình đầu tư công trên địa bàn thôn/xã.
Bà Đỗ Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 cuộc đối thoại giữa hội viên phụ nữ với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng về các chủ trương, chính sách, dịch vụ công có liên quan đến phụ nữ, trẻ em...
Sau các cuộc đối thoại, đã có 55 kiến nghị, đề xuất của người dân được ghi nhận, giải trình. Giải quyết thành công một số vấn đề như: Hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, thay đổi thái độ phục vụ đối với bệnh nhân ở một số trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện; chi trả bảo hiểm y tế.
Hay tại xóm Ênh, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, năm 2018 khi được các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí để xây dựng kênh mương thuỷ lợi, chị em phụ nữ trong xóm luôn tích cực tham gia đóng góp ý kiến, ra quyết định trong các cuộc họp, đồng thời tham gia lập kế hoạch, giám sát công trình… Từ đó, giúp chị em phụ nữ thay đổi định kiến về phụ nữ chỉ làm việc nhà, không tham gia vào hoạt động xã hội…
Từ những câu chuyện trên cho thấy rằng, phụ nữ DTTS hoàn toàn có đủ năng lực, khả năng để tham gia vào xây dựng, thực hiện chính sách. Tuy nhiên, để thay đổi được nhận thức của chị em, hơn ai hết chính các tổ chức xã hội cần khuyến khích, tạo cơ hội để chị em nói lên quan điểm, tiếng nói của mình.
Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, để nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS trong xây dựng và thực hiện chính sách, cần phát triển mô hình điển hình đảm bảo sự tham gia của phụ nữ DTTS ở địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua trưởng thôn, nhóm nòng cốt cho phụ nữ DTTS; tăng tỷ lệ phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện của phụ nữ DTTS được tham gia, có tiếng nói đại diện trong các quyết định liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương.
HỒNG MINH