Đi bên lề chính sách
Hơn 20 năm nay, bà Lý Mùi Phẩy, sinh năm 1949, dân tộc Dao, rời quê hương Pắc Nặm (Bắc Kạn) vào xã Krông Na (Buôn Đôn, Đăk Lăk) lập nghiệp. Đã bước sang tuổi 70, bà Phẩy vẫn ở trong căn nhà tạm bợ bốn vách bằng ván tạp, rộng chưa đầy 20m2 ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na.
Bà Phẩy cho biết, chồng mất sớm, bà có 3 người con đều đã lập gia đình. Con trai út là Bàn Kim Thành (sinh năm 1987) cùng vợ mấy năm trước còn sống chung với bà. Nhưng để lo cuộc sống, Thành và vợ đã phải đi nơi khác làm thuê, để mẹ già ở nhà trông hai cháu.
“Mỗi tháng hai vợ chồng nó gửi về cho bà cháu 500 nghìn đồng để ăn uống, sinh hoạt. Cũng may hai đứa cháu được vào học trường dân tộc nội trú nên không phải lo chi phí học tập”, bà Phẩy nói.
Ở ngay gần nhà mẹ nhưng chị Bàn Mùi Loại (sinh năm 1984)-con gái thứ hai của bà Phẩy, cũng không giúp gì được cho mẹ và các cháu. Là hộ nghèo của thôn Thống Nhất, chị Loại phải chạy ăn từng bữa để lo cho các con ăn học. Không nghề nghiệp, không biết chữ, lại không có đất canh tác nên thu nhập của gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào công việc làm thuê của chị Loại và chồng.
“Ai thuê gì làm đó, mỗi ngày nhiều nhất được 200 nghìn đồng, nhưng phải đi làm từ sáng cho đến tận chiều tối”, chị Loại tâm sự.
Từ nhiều năm nay, gia cảnh khó khăn của bà Phẩy, chị Loại đã được chính quyền từ thôn đến xã ghi nhận, nhưng cũng chưa hỗ trợ được gì nhiều. Ngoài chính sách dành cho hộ nghèo thì hai người phụ nữ, một già, một trẻ chưa được tiếp cận một cơ chế nào dành riêng cho phụ nữ để có cuộc sống ổn định.
Bà Nguyễn Thị Tình, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thống Nhất cho biết, do bà Phẩy đã cao tuổi nên không thể tham gia học nghề, vay vốn tạo sinh kế lại càng khó hơn; còn hỗ trợ cây giống cũng không được vì bà không có đất sản xuất. Chị Loại tuy còn trẻ nhưng không biết chữ; trong xã có mở các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng, nhưng chủ yếu nghề nông nghiệp, không có đất canh tác nên chị không mặn mà tham gia.
“Đất ở đã được chính quyền cấp từ gần chục năm nhưng hiện vẫn chưa có sổ đỏ nên chị Loại cũng không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất được”, bà Tình cho hay.
Nguy cơ bị bỏ lại phía sau
Bà Lý Mùi Phẩy, chị Bàn Mùi Loại là hai trong rất nhiều phụ nữ DTTS đã và đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ngoài việc thiếu các điều kiện tạo sinh kế ổn định (việc làm, đào tạo nghề, đất canh tác,… ) thì phụ nữ DTTS còn ít được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, thông tin,…).
Số liệu được đưa ra tại Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau” được tổ chức ngày 12/8/2019 cho thấy, trong tổng số hơn 4,712 triệu phụ nữ DTTS 15 tuổi trở lên thì có khoảng 26,56% người không biết đọc, biết viết (tỷ lệ này ở nam giới DTTS là 14,4%); chỉ có 7,2% phụ nữ DTTS được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (tỷ lệ này ở nam giới DTTS là 22,4%)...
Tại Hội thảo này, bà Bùi Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cho rằng, nước ta đang trên đà phát triển nhanh và mạnh, trong đó có vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, tình trạng nghèo về kinh tế, ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là những rào cản khiến phụ nữ DTTS đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Dự báo của bà Hoa là hoàn toàn thực tế bởi hiện nay, ngoài những khó khăn về vật chất thì phụ nữ DTTS đã và đang đối mặt với sự bất bình đẳng giới do phong tục, tập quán. Trong khi đó, về mặt chính sách, phụ nữ DTTS ít được tiếp cận, thụ hưởng hơn so với nam giới.
Như trường hợp chị Bàn Mùi Loại ở thôn Thống Nhất, xã Krông Na nêu trên. Đã 35 tuổi, không biết chữ, không nghề nghiệp, chị cũng chẳng mặn mà tham gia học nghề nông nghiệp ngắn hạn vì không có đất canh tác. Nếu là nam giới, chị Loại có thể học nghề phi nông nghiệp (sửa xe máy, cơ khí,…). Nhưng những nghề đó, với phụ nữ, học đã khó chứ đừng nói đến học xong tự tạo được việc làm cho mình.
Chỉ với hỗ trợ đào tạo nghề đã thấy chính sách hiện nay chưa quan tâm lồng ghép giới, hoặc nếu có lồng ghép thì rất mờ nhạt. Chính sách đang được xây dựng để áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, chưa quan tâm tới nhu cầu và điều kiện thực tế của phụ nữ DTTS.
Điều này khiến phụ nữ DTTS chưa được tiếp cận các cơ hội phát triển, đồng nghĩa nguy cơ tụt hậu của họ là hoàn toàn có thể. Để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau thì cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ DTTS, từ đó góp phần vào sự phát triển chung của vùng.
Trong 118 chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đã được ban hành chỉ có 02 chính sách trực tiếp hỗ trợ phụ nữ DTTS, gồm: Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số (Nghị định số 39/NĐ-CP, ngày 24/5/2015); Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025” (Quyết định 1898/QĐ-TTg, ngày 28/11/2017).
SỸ HÀO