Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nỗi niềm của nhân viên bảo vệ rừng

Việt Thắng - Khánh Yên - 15:15, 10/01/2022

Lương đã ít, lại còn bị chậm, trong lúc công việc thì vô cùng khó nhọc và đầy áp lực… đó là tình cảnh của hàng trăm nhân viên bảo vệ rừng ở Nghệ An.

Nỗi vất vả đi tuần của nhân viên bảo vệ rừng
Nỗi vất vả đi tuần của nhân viên bảo vệ rừng

Lương thấp

Phải vất vả lắm chúng tôi mới đến được Trạm bảo vệ rừng phòng hộ Vều, thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Nói là trạm, nhưng thực ra chỉ là một cái nhà tạm bợ, lợp tôn thấp lè tè, mùa hè thì nóng, mùa đông lại lạnh. Ông Nguyễn Trường Giang, Trạm trưởng nói như mếu: “Từ đây vào đến cửa rừng còn phải mất chừng một giờ đồng hồ nữa, đường lại rất khó đi. Lẽ ra, Trạm được dựng ở cửa rừng, nhưng vì không thể có một chỗ nào cho thích hợp, nên anh em đành phải lập trạm ở địa điểm này”.

Trạm chỉ có 4 nhân viên bảo vệ, nhưng lại phải quản lý hơn 4.000 ha rừng với địa bàn hết sức hiểm trở, trải dài từ xã Phúc Sơn đến tận biên giới Việt - Lào. Khu vực này còn nhiều gỗ quý, nên lâm tặc thường xuyên rình mò. Vì thế mà các anh cứ phân công nhau 2 người 1 ca đi tuần. Mỗi tháng, tính ra phải có đến 20 ngày các anh chịu cảnh ăn mì gói, ngủ võng trong rừng.

“Địa bàn ở đây rất hiểm trở, dốc dựng đứng rất khó khăn cho công tác tuần tra. Nhưng khổ hơn, là nạn ruồi vàng và sên vắt, ai cũng sưng hết cả chân”, Trạm trưởng Giang chia sẻ.

Cũng theo ông Giang, năm 2005, tốt nghiệp Trung cấp Lâm nghiệp, ông về công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ ở huyện Thanh Chương, sau đó được điều lên Anh Sơn. Đã 16 năm sống ở nơi sơn cùng thủy tận với bao gian truân, nhưng lương ông cũng chỉ có vẻn vẹn 4 triệu đồng. Tiếng Trạm trưởng thì oai vậy đó, nhưng phụ cấp chức vụ thì đúng 400.000 đồng/tháng. Đã thế, 4 ngày nghỉ trong 1 tháng thì phải “cắt” mất 2 ngày, vì nghỉ thì sợ rừng bị phá. Hay như ông Phạm Đức Quỳ đã cận kề tuổi 60, nhưng lương cũng chỉ hơn ông Giang mấy trăm nghìn đồng.

“Lương đã thấp, lại còn bị chậm nữa. Nhiều năm nay, cứ đến khoảng tháng 8 mới có lương của các tháng trước đó. Thế là phải vay mượn, giật gấu vá vai để sống. Đến ngày nhận lương cũng chẳng còn được là bao, vì phải mang đi trả nợ hết. Mỗi lần về nhà, nhìn thấy vợ con vất vả, mình cứ cắn rứt”, ông Quý thở dài.

Trạm bảo vệ rừng khu vực Vều (huyện Anh Sơn)
Trạm bảo vệ rừng khu vực Vều (huyện Anh Sơn)

 Lo nhân viên nghỉ việc, phải cắm sổ đỏ đất lấy tiền cho vay

Ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương, tính đến nay đã có đến 7 nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc. Lý do cũng không ngoài lương thấp, áp lực công việc lớn. Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương cho biết, Ban hiện có 35 nhân viên, bảo vệ hơn 22.000 ha rừng. Mỗi năm, ban được cấp 2,1 tỷ đồng để trả lương nhưng năm nào cũng mãi đến tháng 7, tháng 8 mới có tiền. 

“Có năm mãi đến tháng 12 mới có lương. Thương anh em và cũng sợ họ nghỉ việc nên tôi phải bàn với vợ, lấy bìa đất (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của gia đình thế chấp vay tiền cho anh em ứng trước, một phần thì để đóng bảo hiểm xã hội. Đã thế còn chịu áp lực về trách nhiệm hình sự nếu để mất rừng. Mới năm ngoái đây thôi, 2 cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp, hăm hở nhận việc được 2 tháng liền xin nghỉ”, ông Thiều giãi bày.

Còn hơn cả Thanh Chương, tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Anh Sơn, có 10 người xin nghỉ việc chỉ trong 3 năm. Trưởng Ban Ngũ Văn Tri tỏ ra rất lo lắng: Ban chúng tôi hiện chỉ có 16 người, phải quản lý, bảo vệ hơn 8.000 ha rừng. Với mức lương chỉ hơn 4 triệu đồng/người/tháng, e rằng khó mà giữ chân anh em. Sau tiếng thở dài, ông Tri chua chát nói: “Những người còn ở lại hầu hết đã lớn tuổi. Nói thật lòng là họ đã có hàng chục năm công tác, giờ cố bám trụ để chờ nghỉ hưu. Nếu vẫn với mức lương như thế này, tôi lo là không tuyển được nhân viên bảo vệ rừng mất”.

Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng thuộc tốp lớn nhất của cả nước, nhưng theo tìm hiểu thì mức lương cho nhân viên bảo vệ rừng cũng thuộc tốp… thấp nhất nước. Lý giải cho việc này, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nghệ An cho biết: Thông tư 21/2017 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 886 ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, không thấy hướng dẫn nguồn để trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng thuộc các Ban Quản lý rừng phòng hộ. Sở có văn bản hỏi Bộ NN&PTNT, thì được trả lời: Lực lượng này áp dụng theo mức khoán rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ, 100.000 đồng/ha/năm.

Cũng theo vị cán bộ này, thì mỗi năm, Nghệ An cần hơn 200 tỷ đồng để chi trả tiền bảo vệ rừng (gồm cả người dân lẫn nhân viên bảo vệ rừng), nhưng Trung ương chỉ bố trí 51 tỷ đồng. Do tỉnh không có ngân sách để cấp bù, nên phải “liệu cơm gắp mắm”. Hơn 200.000 ha rừng do người dân khoanh nuôi, bảo vệ từ nhiều năm qua không được chi trả tiền công.

“Chúng tôi hiểu nỗi khổ của lực lượng bảo vệ rừng ở các Ban Quản lý rừng phòng hộ, nhưng không còn cách nào khác và đang chờ Chương trình mục tiêu bảo vệ rừng giai đoạn 2021 - 2026 sẽ bổ sung nguồn kinh phí cho lực lượng bảo vệ rừng này”, vị cán bộ này chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.