Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhân lực giữ rừng- Chuyện dài chưa có hồi kết: Người đến thì ít, người đi lại nhiều! (Bài 1)

Thanh Hải – Khánh Ngân - 12:28, 12/04/2021

Lương thấp và chậm, áp lực công việc cao… đang là những nguyên nhân khiến nhiều lao động trẻ tham gia quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh miền Trung bỏ việc. Dù nhiều lao động chưa có việc làm, nhu cầu về nhân lực giữ rừng là rất lớn, nhưng việc tuyển dụng đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tuần tra bảo vệ rừng ở Quảng Bình
Tuần tra bảo vệ rừng ở Quảng Bình

Từ những lá đơn xin nghỉ việc...

Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Anh Sơn (Nghệ An), quản lý hơn 8.000ha rừng phòng hộ. Ở thời điểm cao nhất, Ban có 37 cán bộ, nhân viên, nhưng theo thời gian, số lượng nhân viên giữ rừng “rơi rụng” dần. Theo ông Ngũ Văn Trị, Trưởng BQLRPH Anh Sơn, tính đến thời điểm này, Ban đã có 15 lao động hợp đồng xin nghỉ việc. 

"Họ là những lao động trẻ, khỏe, có người đã công tác nhiều năm tại đơn vị. Chúng tôi rất lấy làm tiếc", ông Trị nói.

Tình trạng lao động trẻ xin nghỉ việc cũng xảy ra ở các đơn vị BQLRPH trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Phùng Thiều, Trưởng BQLRPH Thanh Chương buồn bã nói: 'Dù rất buồn và không bao giờ muốn nhưng chúng tôi vẫn phải giải quyết cho 5 lao động xin nghỉ việc, giã từ nghề giữ rừng".

Nhìn sang các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… hàng loạt lao động trẻ giữ rừng bỏ việc, bỏ nghề đang là một thực trạng đáng báo động. Theo ông Lê Trung Hiền,Trưởng phòng tổ chức tuyên truyền và xây dựng lực lượng thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình,  trong hai năm 2017 - 2018, tại các BQLRPH trên địa bàn tỉnh đã có 26 lao động xin nghỉ việc; nhiều nhất là Đội sản xuất Minh Hóa có 10 người; Lâm trường Trường Sơn có 7 người…

"Chúng tôi đã cố gắng níu kéo bằng mọi cách nhưng không thể giữ chân được họ. Cầm lá đơn xin nghỉ việc, chẳng ai muốn, chẳng ai đành lòng", ông Hiền nói 

Đáng lưu ý hơn là, việc lao động hợp đồng xin nghỉ việc là điều dễ hiểu, dễ cảm thông. Nhưng hiện đang có nhiều lao động trẻ là viên chức, thậm chí là công chức và được tuyển dụng theo diện thu hút… cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc sau mấy năm không trụ nổi với nghề. 

Như ở Nghệ An, tại Vườn quốc gia Pù Mát đã có 4 cán bộ, nhân viên xin nghỉ việc. Còn tại Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình có 2 cán bộ, nhân viên; Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh có 2 trường hợp là công chức thuộc diện thu hút cũng xin nghỉ việc...

Một cánh rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Pù Mát – Nghệ An
Một cánh rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Pù Mát – Nghệ An

Thử đi tìm nguyên nhân

Câu chuyện lao động giữ rừng bỏ việc không còn là chuyện mới của ngày hôm nay, mà đã tồn tại từ nhiều năm trước. Đi đến đâu, chúng tôi cũng đã được nghe nỗi lòng “cực chẳng đã” của những người trực tiếp giữ rừng.

Ông Nguyễn Trọng Đô, Trạm bảo vệ rừng Cao Vều thuộc BQLRPH Anh Sơn (Nghệ An) tâm sự: Người trẻ họ bỏ việc gần hết rồi, bởi các chế độ chưa kịp thời, lương đã thấp lại không đúng thời hạn, khiến đời sống những người trực tiếp giữ rừng càng thêm chật vật. 

Đời sống anh em tại các trạm bảo vệ rừng rất khó khăn, dù đã tăng gia tại trạm, mang thêm lương thực phẩm từ nhà… Cũng lời ông Đô, những người còn bám trụ đa phần đã luống tuổi, có nhiều năm công tác nên phấn đấu đủ năm đóng bảo hiểm rồi mới xin nghỉ việc.

Trưởng phòng Tổ chức Hành chính thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, ông Nguyễn Sĩ Lương cho biết: Hai công chức thuộc diện thu hút của đơn vị vừa mới xin nghỉ việc là vì nhiều lí do, trong đó có lý do áp lực công việc và lương thấp… Kỉ luật trong ngành ngày càng nghiêm hơn; cán bộ quản lý và giữ rừng rất dễ đối mặt với án phạt, kỷ luật; thậm chí bị truy tố khi để xảy ra các vụ việc vi phạm lâm luật ngay trên địa bàn mình quản lý, dù đó có thể là những tình huống “bất khả kháng.

Để ổn định tư tưởng và đảm bảo một phần nhu cầu cuộc sống hàng ngày của những người giữ rừng, các địa phương ở miền Trung đã đề nghị UBND các tỉnh hỗ trợ, cho ứng nguồn kinh phí để chi trả một phần lương và các chế độ liên quan. Nhưng bấy nhiêu, chẳng thể níu kéo để những người giữ rừng yên tâm ở lại bám trụ với nghề. 

Trong nhiều cuộc trao đổi trước đây, ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: Năm nào, Sở cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, cho ứng nguồn để lấy kinh phí trả một phần lương cho người lao động. Nhưng với thực tế lương và các chế độ thiếu trước hụt sau, người lao động không yên tâm với nghề là điều khó tránh.

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận