Cuộc chiến chống “nạn kép”
Những năm qua, các cấp ngành tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng tại Mường Nhé, đồng thời đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển rừng tái sinh, rừng sản xuất, kết hợp với chăm sóc bảo vệ để giữ cho những cánh rừng luôn xanh tốt. Tuy nhiên, cuộc chiến chống “nạn kép” ở đây chưa bao giờ hết “nóng”. Các cán bộ Kiểm lâm luôn trong tình trạng căng mình chống chọi với nạn phá rừng khốc liệt và chạy đua chống cháy rừng khi mùa giáo Lào thổi, mùa đốt nương đến.
Kết thúc buổi tuẩn tra rừng lúc nhá nhem, ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, than thở: Nếu như những năm trước, rừng bị phá với diện tích manh mún, nhỏ lẻ để người dân lấy đất canh tác thì gần đây, nạn phá rừng do các đối tượng hoặc nhóm đối tượng phá với quy mô lớn để chiếm đất sử dụng lâu dài đã tăng lên và quy mô phá cũng lớn hơn.
Thống kê riêng năm 2019, lực lượng Kiểm lâm Mường Nhé đã bắt giữ và xử lý 52 vụ vi phạm gây cháy rừng, phá rừng, tàng trữ, khai thác lâm sản trái phép… (tăng gấp đôi so với năm 2018).
“Nỗi lo khác cũng căng thẳng và mệt mỏi với cán bộ Kiểm lâm là nguy cơ cháy rừng trong những tháng gió Lào (từ tháng 2 - 6 hằng năm) và nạn đốt phá rừng làm nương của người dân luôn trường trực. Ở biên giới Mường Nhé đỉnh điểm những ngày hè, nắng nóng oi bức, nhiệt độ có lúc lên tới 39 - 40oC, không gian đặc quánh khói bụi do đốt nương. Bởi vậy chỉ cần một hành động bất cẩn là cũng đi luôn cả cánh rừng”, anh Toàn chia sẻ.
Ngoài kế hoạch cắm chốt lâu dài tại đơn vị thì các cán bộ Kiểm lâm gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Họ liên tục phối hợp với chủ rừng băng suối, leo núi đi tuần tra những điểm nóng về khai thác rừng trái phép, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ rừng để được lợi ích từ rừng.
“Giảm nạn” từ… nhận thức người dân
Theo ông Toàn, bà con ở đây đều là người DTTS, cuộc sống nương rẫy bấp bênh, phải dựa nhiều vào rừng để mưu sinh. Bởi vậy công tác tuyên truyền nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng cho người dân là rất quan trọng. Cán bộ Kiểm lâm Mường Nhé không ngại khó khăn, kiên trì vận động từng cán bộ đảng viên, Người có uy tín tại cơ sở để họ có tiếng nói và trách nhiệm với cộng đồng dân tộc mình. Cùng với đó, kiếm lâm có kế hoạch khoanh vùng các vị trí phức tạp, dễ xảy ra cháy, phá rừng để theo dõi; linh hoạt các hình thức tuyên truyền bằng loa, phát tờ rơi, yêu cầu dân ký cam kết, hương ước bảo vệ rừng…
Thời gian gần đây, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc xác định những diện tích bị phá, bị cháy và truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý lại gặp nhiều khó khăn. Phương tiện và cách thức phá rừng của các đối tượng cũng quy mô, tinh vi hơn. Bởi vậy, lực lượng chức năng khó phát hiện được và cũng khó biết chính xác đối tượng nào đã phá rừng. Cũng vì lý do đó, mà nhiều vụ vi phạm lâm luật năm 2019 đến nay chưa tìm ra thủ phạm.
Bà con ở đây đều là người DTTS, cuộc sống nương rẫy bấp bênh, phải dựa nhiều vào rừng để mưu sinh. Bởi vậy công tác tuyên truyền nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng cho người dân là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé