Xã Tà Hừa, huyện Than Uyên có 3.146 ha rừng, trong đó: 2.057 ha rừng sản xuất, 1.089 ha rừng phòng hộ, tỷ lệ che phủ rừng đạt 35,74%. Để giữ rừng, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) đến người dân. Xây dựng phong trào quần chúng trong công tác khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ, PCCCR gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để người dân hưởng lợi, có thêm thu nhập.
Anh Tòng Văn Chức, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hừa chia sẻ: “Cùng với việc tuyên truyền sâu rộng về Luật Lâm nghiệp, chính sách chi trả DVMTR, xã tổ chức cho các hộ, chủ rừng ký cam kết thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác bảo vệ, phòng cháy rừng. Riêng chính sách chi trả DVMTR, từng năm, xã rà soát danh sách từng bản, các chủ rừng, từ đó chi trả đúng theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người, đúng diện tích. Năm 2020, xã phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện chi trả trên 2 tỷ đồng. Qua đó, phát huy hiệu quả trong QLBVR, cải thiện sinh kế bền vững; tạo công ăn việc làm ổn định cho chủ rừng, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con”.
Đi dọc vùng biên giới ở huyện Phong Thổ, chúng tôi cảm nhận màu xanh của những cánh rừng tái sinh đang phủ xanh từ sườn đồi đến đỉnh núi cao. Cũng như nhiều địa phương khác trong huyện, xã Mù Sang có 661 hộ dân đang tích cực tham gia nhận hợp đồng bảo vệ, chăm sóc rừng. Trong thời gian gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, số tiền 1 tỷ 245 triệu đồng từ chính sách chi trả DVMTR đã giúp bà con có thêm nguồn thu để mua cây, con giống, phát triển trồng trọt, chăn nuôi và mua sắm đồ dùng sinh hoạt, trang trải cuộc sống hàng ngày. Đây chính là động lực để Nhân dân các dân tộc trong xã nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng.
Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho rằng: “Không chỉ ở Mù Sang mà bà con ở các xã, thị trấn luôn nêu cao ý thức giữ rừng, các tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản thường xuyên tuần tra nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp vi phạm, làm tổn hại đến rừng. Đặc biệt khi vào mùa khô, tình trạng đốt rừng làm nương đã giảm hẳn, người dân đã coi rừng là nguồn sinh kế quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống”.
Đơn giá chi trả bình quân đạt 1 triệu đồng/ha (năm 2020), thu nhập bình quân của 79.991 hộ được chi trả với bình quân 5,4 triệu đồng/hộ. Đây cũng là nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Hiện nay, tổng diện tích rừng toàn tỉnh Lai châu khoảng 470.470 ha, trong đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả tiền DVMTR năm 2020 là 472 tỷ đồng với 441.104 ha rừng; trong đó, 28.578 ha rừng đặc dụng, 252.128 ha rừng phòng hộ, 160.397 ha rừng sản xuất.
Chị Tòng Thị Hương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Để nâng cao nhận thức người dân trong bảo vệ, quản lý rừng, Quỹ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chi trả DVMTR gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Điều này không chỉ giúp người dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng có thêm việc làm, tăng thu nhập mà còn giữ rừng được tốt hơn. Từ đó giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai”.
Năm 2021, tỉnh dự kiến thu 464 tỷ 488 triệu đồng từ 36 cơ sở sử dụng DVMTR gồm 7 cơ sở sản xuất thủy điện lớn; 23 cơ sở sản xuất thủy điện nhỏ và 6 chi nhánh nước do Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu quản lý. Số tiền dự kiến chi trả DVMTR là 464 tỷ 488 triệu đồng, trong đó chi cho bên cung ứng DVMTR là 408 tỷ 749 triệu đồng (bằng 88% tổng số thu) với tổng diện tích cung ứng DVMTR là 447.687 ha.
Từ việc thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 50,3%; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho Nhân dân các dân tộc ở địa phương.