Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Xóa đói giảm nghèo nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hồng Phúc - 16:40, 22/12/2020

Nhiều năm qua, việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại Kon Tum đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng.

Người dân Kon Tum tham gia tìm hiểu về Chính sách chi trả DVMTR
Người dân Kon Tum tham gia tìm hiểu về Chính sách chi trả DVMTR

Đăk Pxi là xã vùng sâu, vùng xa với 92% người dân là đồng bào dân tộc Xê Đăng. Trước đây, với phương thức sản xuất nông nghiệp cũ, lạc hậu, không chú trọng đầu tư bài bản nên thu nhập thấp, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.

Nhưng từ khi được Nhà nước giao đất, giao rừng để trực tiếp tham gia quản lý và bảo vệ rừng, bà con nơi đây đã có thêm nguồn thu nhập từ tiền chi trả DVMTR. Nhờ đó, đời sống được cải thiện rõ rệt, bà con chăm lo tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết, năm 2019, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã chi trả trên 3,6 tỷ đồng cho 470 hộ gia đình được nhà nước giao đất, giao rừng trên địa bàn xã Đăk Pxi. Ngoài số tiền Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã chi trả, bà con trên địa bàn xã còn nhận tiền khoán bảo vệ rừng từ Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà. Từ nguồn tiền DVMTR này, các cộng đồng chia tỷ lệ: 50% cho công tác tuần tra truy quét bảo vệ rừng, 20% cho quỹ thôn để phục vụ các hoạt động chung của cộng đồng, 30% còn lại phục vụ phát triển kinh tế.

Năm 2020, xã Đăk Pxi phát triển dự án nuôi heo sọc dưa, được người dân đồng tình và ủng hộ. Bà con Nhân dân đã vay tiền DVMTR từ 30% còn lại của cộng đồng để phát triển mô hình. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả khá tốt, là tạo tiền đề để xây dựng các mô hình về trang trại kinh tế hộ gia đình, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để phát triển kinh tế mang tính bền vững trên địa bàn xã.

"Tỷ lệ hộ nghèo của xã từ năm 2016 đến cuối năm 2019 giảm từ 64,37% xuống còn 42,5%. Tuy kết quả chưa đạt so với kế hoạch đề ra nhưng để đạt được kết quả trên là sự đóng góp không nhỏ từ nguồn tiền chi trả DVMTR. Nhờ nguồn tiền chi trả DVMTR mà kinh tế của người dân từng bước được cải thiện, đa dạng giống cây trồng, vật nuôi”, ông Đoan chia sẻ.

Không chỉ riêng xã Đăk Pxi mà nhiều xã khác tại tỉnh Kon Tum cũng đã xóa đói giảm nghèo nhờ chính sách chi trả DVMTR. Điển hình như xã Đăk Tơ Lung, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở xã là 64,98%, tới đầu năm 2020 con số này đã giảm xuống chỉ 13,1%.

Theo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, năm 2019, Quỹ đã chi trả hơn 255 tỷ đồng tiền DVMTR cho các chủ rừng là tổ chức; UBND các xã; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng. Trong đó, hơn 32,1 tỷ đồng được dùng để chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng. Không những mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mà chính sách chi trả DVMTR triển khai tại Kon Tum còn là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên quy mô toàn tỉnh. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.