Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Giáo dục dân tộc

Niềm vui vào lớp 1

PV - 18:39, 24/08/2022

Không phải thực hiện những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, năm nay, học sinh lớp 1 được tựu trường trong không khí rộn ràng, náo nức, được cha mẹ dắt tay vào tận lớp học để gửi gắm cho cô giáo. Ngày đầu tiên có cha mẹ bên cạnh, các em bớt đi phần bỡ ngỡ, tự tin hơn khi gặp gỡ cô giáo, bạn bè.

Học sinh lớp 1/7, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Tp. Biên Hòa) hào hứng trong ngày đầu tiên tựu trường. (Ảnh: Hải Yến)
Học sinh lớp 1/7, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Tp. Biên Hòa) hào hứng trong ngày đầu tiên tựu trường. (Ảnh: Hải Yến)

Làm quen với lớp 1

Sáng 22/8, vợ chồng chị Lương Thị Quỳnh Hương (ngụ Khu phố 3, phường Trảng Dài, Tp. Biên Hòa) cùng nhau chở con gái đi tựu trường. Năm nay, con của anh chị vào lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (Tp. Biên Hòa).

Sau khi nộp hồ sơ chiêu sinh, chị đã mua sắm đầy đủ quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho con. Khi nhà trường xếp lớp, giáo viên chủ nhiệm đã lập nhóm Zalo để gửi các thông báo, hướng dẫn của nhà trường đến phụ huynh. Nhờ được tiếp cận thông tin đầy đủ, nên khi đưa con đi tựu trường, chị chỉ việc nhìn vào sơ đồ và dẫn con vào tận lớp học. Chị Hương nhận xét: “Nhà trường tổ chức đón học sinh lớp 1 khá ổn, tôi thấy hài lòng”.

Tại các lớp học, sau khi đưa con vào lớp, đa phần phụ huynh không về mà nán lại lớp học để quan sát buổi sinh hoạt đầu tiên ở lớp 1 của con. Theo đó, giáo viên ổn định lớp, sắp xếp chỗ ngồi, hướng dẫn nề nếp sinh hoạt lớp, nội quy, dụng cụ học tập, thông báo giờ giấc học tập…

Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm giới thiệu rất kỹ về tên giáo viên, lớp, vị trí lớp để tránh trường hợp học sinh đi nhầm lớp. Để tạo không khí vui tươi cho học sinh trong ngày đầu đến trường, giáo viên tổ chức một vài trò chơi nhỏ, cho các em hát những bài hát quen thuộc…

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) có hơn 120 học sinh lớp 1. Trong đó, điểm trường phụ có 40 học sinh lớp 1, 100% các em là học sinh người DTTS (Xtiêng và Châu Mạ). Hiệu trưởng nhà trường, cô Nguyễn Thị Miên cho biết, từ ngày 8/8, giáo viên của trường phối hợp với chính quyền địa phương đi vận động học sinh ra lớp. Những năm gần đây, nhận thức của phụ huynh về việc học tập của con đã được nâng lên, nên việc vận động học sinh ra lớp khá thuận lợi.

Niềm vui của học sinh lớp 1/7, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Tp. Biên Hòa) trong ngày đầu tựu trường. (Ảnh: Hải Yến)
Niềm vui của học sinh lớp 1/7, Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Tp. Biên Hòa) trong ngày đầu tựu trường. (Ảnh: Hải Yến)

Cô Miên chia sẻ: “Phụ huynh đã hào hứng cho con đi học. Các em đã được học mẫu giáo 5 tuổi, tiếp cận với tiếng Việt, nên công việc của giáo viên cũng đỡ vất vả hơn. Tất nhiên là mức độ tiếp thu của các em so với mặt bằng chung vẫn còn chậm. Trong tuần đầu tựu trường, giáo viên sinh hoạt lớp, tổ chức một vài trò chơi, hoạt động ngoài giờ để cho học sinh làm quen dần với môi trường tiểu học”.

Cũng theo cô Miên, nếu từ nay đến khi khai giảng, dịch bệnh không diễn biến phức tạp, nhà trường sẽ cho toàn bộ học sinh ở điểm lẻ sang điểm trường chính để dự lễ khai giảng. Trong buổi lễ sẽ tổ chức một vài tiết mục văn nghệ mang đặc trưng văn hóa dân tộc Xtiêng, Châu Mạ để học sinh thấy được không khí của ngày khai trường…

Vì mục tiêu công bằng trong giáo dục

Cùng nằm trên địa bàn huyện Tân Phú, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Đắc Lua) cũng có điều kiện tương tự như Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực. Năm học này, nhà trường có gần 120 học sinh lớp 1 ở cả 3 điểm trường. Trong đó, điểm trường ấp 7 có 25 học sinh lớp 1.

Ngày đầu đi học còn bỡ ngỡ, nhiều học sinh được cha mẹ ở lại để động viên tinh thần, giúp con làm quen với trường, lớp. (Ảnh: Hải Yến)
Ngày đầu đi học còn bỡ ngỡ, nhiều học sinh được cha mẹ ở lại để động viên tinh thần, giúp con làm quen với trường, lớp. (Ảnh: Hải Yến)

Thầy Văn Đăng Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, điểm trường ấp 7 cách điểm trường chính 16 km. Từ điểm trường chính qua điểm trường này phải đi qua xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Toàn bộ học sinh ở đây là người DTTS (chủ yếu là dân tộc Tày, Mường, Nùng). Điều phấn khởi là phụ huynh ở đây khá quan tâm việc học của con. Điểm trường này được đầu tư xây mới 6 phòng học, 6 phòng chức năng, trang bị phòng vi tính, Anh văn, bắt đầu đưa vào sử dụng từ năm học 2022 - 2023.

Thầy Thủy phấn khởi nói: “Những năm gần đây, học sinh ở điểm trường ấp 7 được tặng nhiều học bổng, quà học tập. Riêng đầu năm học mới này, các em được tặng sách, vở, dụng cụ học tập nên phụ huynh cũng “nhẹ gánh” trong đầu năm học. Khi có lịch tựu trường chung của tỉnh, nhà trường gửi thông báo cho Đài Truyền thanh xã phát, đồng thời gửi cho các ấp trưởng thông báo nên phụ huynh đều nắm được lịch, đưa con đi tựu trường gần đủ”.

Trường tiểu học Long Giao (thị trấn Long Giao, huyện Cẩm Mỹ) là trường học có điểm lẻ. Cô Vũ Thị Thùy Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vì mục tiêu công bằng trong giáo dục, nhà trường cố gắng phân bổ trang thiết bị, cơ sở vật chất đồng đều ở cả 2 điểm trường.

Ở điểm trường lẻ (cách điểm trường chính 5 km), nhà trường mới trang bị thêm 1 tivi, 2 bình lọc nước, 7 máy vi tính để phục vụ việc học, sinh hoạt của học sinh. Điểm trường này có tổng cộng 120 học sinh (gồm 23 học sinh lớp 1) nhưng nhà trường vẫn tổ chức lễ khai giảng như ở điểm trường chính.

“Sau 2 năm tựu trường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, năm nay học sinh được đến trường trong không khí đông vui, phấn khởi hơn. Sáng 22/8, có khoảng 98% học sinh lớp 1 của trường đã đi tựu trường. Trong tuần đầu tiên, học sinh chỉ đến trường một buổi để làm quen với nề nếp sinh hoạt. Từ sau ngày 5/9, trường sẽ tổ chức cho các em học 2 buổi/ngày”, cô Dương cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Ngành Giáo dục Thanh Hóa: Tập trung khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy và học ở các trường miền núi

Ngành Giáo dục Thanh Hóa: Tập trung khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy và học ở các trường miền núi

Toàn tỉnh Thanh Hóa có 2.026 cơ sở giáo dục, trong đó rất nhiều cơ sở giáo dục ở các huyện miền núi bao năm vẫn trong tình trạng thiếu thiết bị giảng dạy và học tập. Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình gửi UBND tỉnh phê duyệt dự toán mua sắm thiết bị dạy học cho các lớp, dự kiến hoàn thành ngay trong học kỳ I năm nay, với kinh phí 200 tỷ đồng.