Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Thúy Hồng - 17:13, 20/09/2024

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.

Một buổi học xóa mù chữ ở thôn Khau Khuyu, xã Quốc Việt huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn
Một buổi học xóa mù chữ ở thôn Khau Khuyu, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn

Đưa con chữ đến với bản làng

Cứ 19h mỗi tối, Nhà văn hóa thôn Khau Khuyu, xã Quốc Việt, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn lại sáng ánh đèn điện. Tại đây, lớp học xóa mù chữ cho bà con đồng bào Tày, Nùng luôn rộn rã bởi tiếng dạy học, tiếng đánh vần của những học viên "đặc biệt". 

Bà Chu Thị Thúy, thôn Pò Lạn, xã Quốc Việt, 56 tuổi, học viên của lớp học cho biết, trước đây bà không được đến trường, nên không biết chữ. Khi được các cô giáo và cán bộ thôn, xã vận động tham gia lớp xóa mù chữ này, bà đã theo học. Bây giờ có lớp xóa mù chữ vào thôn, có cô giáo, giờ tôi đã biết đọc, biết viết một chút. Các cô dạy cho con chữ giúp ích cho cuộc sống mình nhiều lắm. Bây giờ đi bán gà, bán vịt thì cũng đã biết tính nhân lấy tiền.

“Vừa rồi được các cô giáo cho đi thi Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt của huyện được giải Ba. Tại Ngày hội giao lưu cấp tỉnh, bà đã đạt được giải Khuyến khích đấy”, bà Chu Thị Thúy khoe.

Chia sẻ về những học viên đặc biệt của các lớp học xóa mù chữ, cô giáo Lê Thị Phương Thảo - giáo viên trường Tiểu học Quốc Việt cho biết: Lớp học xóa mù chữ có 16 học viên, học viên lớn nhất cũng đã gần 60 tuổi, nên đôi lúc việc giảng dạy gặp khó khăn. Dù điều kiện giảng dạy còn thiếu thốn, học sinh lại có tuổi, mắt kém, lại học buổi tối… nhưng họ đều rất cố gắng.

“Từ trường chính, chúng tôi phải vượt sông bằng bè mảng và đi hơn 3km nữa để tới lớp học xóa mù của thôn Khau Khuyu. Vào những ngày mưa gió thì đi lại rất khó khăn. Mặc dù vất vả, nhưng khi thấy các học viên hăng say học tập, thì mọi mệt nhọc đều tan biến”, cô Lê Thị Phương Thảo tâm sự.

Còn đối với đồng bào DTTS ở xã Quang Trung, xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, cách trung tâm huyện 20km, thì trình độ dân trí của bà con nhìn chung là hạn chế và thấp hơn so với mặt bằng chung của huyện. Trước kia, do cuộc sống khó khăn, nhiều người không được đi học hoặc học hành dở dang, tỷ lệ mù chữ cao.

Các thí sinh tham gia làm bài tại Ngày hội giao lưu môn Toán và Tiếng việt cấp cụm tổ chức tại huyện Hữu Lũng
Các thí sinh tham gia làm bài tại Ngày hội giao lưu môn Toán và Tiếng Việt cấp cụm tổ chức tại huyện Hữu Lũng

Theo chia sẻ của thầy giáo Vy Văn Giáp - Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Quang Trung, nhằm nâng cao chất lượng xóa mù chữ, nhà trường đã lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, hiểu phong tục tập quán, biết tiếng dân tộc, nhiệt tình tham gia giảng dạy. Các học viên tham gia lớp xóa mù chữ rất có ý thức trong học tập, đi học đầy đủ, đến nay sau 3 - 4 tháng mở lớp xóa mù chữ, nhiều học viên đã biết ghép vần, ghép chữ và làm toán rất nhanh.

Thầy giáo Vy Văn Giáp khẳng định, việc mở lớp xóa mù bước đầu đã mở ra cơ hội cho đồng bào DTTS nơi đây, góp phần nâng cao trình độ dân trí, xóa nghèo bền vững; đồng thời tạo thuận lợi trong việc triển khai những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; người dân cũng áp dụng tốt hơn các kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, mang lại thu nhập cao.

Được biết, trong năm học 2023 - 2024, Lạng Sơn đang tổ chức hơn 200 lớp xóa mù chữ, ở tất cả 11 huyện, thị trên địa bàn. Những lớp học xóa mù chữ trên địa bàn đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, ngày càng nâng cao về chất lượng, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào DTTS, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tạo môi trường cho học viên xóa mù chữ thể hiện kiến thức

Vào thời điểm tháng 6 đến tháng 8 vừa qua, khi các giáo viên và học sinh bước vào kì nghỉ Hè, thì ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, các cô giáo của các lớp xóa mù đang tất bật ôn luyện cho các học viên của lớp xóa mù tham gia Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ cấp cụm và cấp tỉnh.

Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng việt đã tạo cơ hội cho những học viên tham gia lớp xoá mù chữ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm
Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt đã tạo cơ hội cho những học viên tham gia lớp xóa mù chữ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm

Theo bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Lạng Sơn, triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024, Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch tổ chức và văn bản hướng dẫn, các Phòng GD&ĐT các huyện đã triển khai rộng rãi, phát động Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt cho học viên xóa mù chữ.

Vào thời điểm tháng 7, Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt cấp cụm tại 4 cụm huyện Lộc Bình, Hữu Lũng, Bình Gia, Văn Lãng, với tổng số 222 thí sinh tham gia, với trên 85% là người DTTS. Trên cơ sở kết quả thi của Ngày hội cấp cụm, Sở GD&ĐT lựa chọn học viên tham dự Ngày hội cấp tỉnh với 2 môn Toán và Tiếng Việt, thời gian làm bài 45 phút/môn.

Ngày hội đã thu hút 88 học viên tham dự. Thí sinh tham gia Ngày hội có nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó, có 21 người ở độ tuổi từ 55 - 60, có nhiều thí sinh là cặp vợ chồng gần 60 tuổi.

Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn trao giấy chứng nhận cho các học viên đoạt giải Nhất tại Ngày hội giao lưu Toán và Tiếng việt cấp tỉnh
Bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn trao Giấy chứng nhận cho các học viên đoạt giải Nhất tại Ngày hội giao lưu Toán và Tiếng Việt cấp tỉnh

Điển hình là học viên Nông Văn Tuyền, ở huyện Hữu Lũng. Anh Tuyền là một học viên khuyết tật, có khối u ở não, tay phải hầu như không làm gì được, làm việc và viết đều bằng tay trái. Nhưng khát khao được biết chữ, mỗi buổi tối đi học, anh phải nhờ cháu gái học lớp 4 đi xe đạp soi đèn pin đi trước, anh đi bộ theo sau. Với quyết tâm theo đuổi con chữ để thay đổi cuộc sống, trong dịp giao lưu cấp Cụm anh đã đạt giải Nhất.

Theo bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, Ngày hội đã tạo cơ hội cho những học viên tham gia lớp xóa mù chữ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, các đơn vị cũng chia sẻ những cách làm hay, những bí quyết để triển khai chương trình xóa mù chữ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học lớp xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.