Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Gỡ rào cản phát triển dân số dân tộc Si La (Bài 8)

Cù Hương - Sỹ Hào - 16:32, 29/11/2023

Không những tỷ lệ nghèo cao mà tình hình phát triển dân số có dấu hiệu chững lại bởi nhiều rào cản cho sự gia tăng dân số tự nhiên. Đây là những vấn đề cấp bách cần được giải quyết để bảo vệ, phát triển dân tộc Si La – một trong 5 dân tộc có dân số dưới 1.000 người hiện nay và là một trong 14 dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến kiểm tra thực tế đời sống đồng bào dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé ngày 28 – 29/4/2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến kiểm tra thực tế đời sống đồng bào dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé ngày 28 – 29/4/2023.

Những rào cản phát triển dân số

Dân tộc Si La cư trú tập trung ở Lai Châu và Điện Biên, chỉ một vài nhân khẩu di cư sinh sống ở một số địa phương khác trên cả nước. Trong đó, ở Lai Châu, đồng bào sinh sống thành cộng đồng tại 02 bản: Seo Hai và Sì Thâu Chải của xã Kan Hồ, huyện Mường Tè; ở Điện Biên, đồng bào cư trú tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

Tại bản Nậm Sin, số liệu được UBND xã Chung Chải báo cáo với đoàn công tác tỉnh Điện Biên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến làm Trưởng đoàn kiểm tra tiến độ triển khai Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) dân tộc Si La trên địa bàn huyện Mường Nhé hồi tháng 4/2023 cho thấy, toàn bản có 52 hộ với 233 nhân khẩu đều là dân tộc Si La. Còn tại tỉnh Lai Châu, theo số liệu của UBND xã Kan Hồ, trên địa bàn xã hiện có hơn 112 hộ, với 550 nhân khẩu là người dân tộc Si La sống tập trung tại bản Seo Hai và bản Sì Thâu Chải.

Số liệu từ các địa phương nêu cho thấy một thực tế đáng lo ngại về sự chững lại, thậm chí có dấu hiệu suy giảm về số lượng dân số của dân tộc Si La. Nếu tính chung các bản: Nậm Sin, Seo Hai và Sì Thâu Chải (chưa tính một số ít nhân khẩu đang sinh sống ở các địa phương khác) thì dân tộc Si La hiện có hơn 152 hộ, với 783 nhân khẩu. 

Trong khi đó, theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện tháng 4/2019 cho thấy, dân tộc Si La có 228 hộ, với 909 nhân khẩu. Trước đó, năm 2009, theo kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê, dân tộc Si La có 709 người.

Từ nhận thức rất tiến bộ nên hầu hết con em dân tộc Si La đều học hết cấp II, tỷ lệ bỏ học sớm ở các cấp rất thấp. (Trong ảnh: Lớp Mầm non bản Nậm Sin hiện có 19 học sinh dân tộc Si La
Từ nhận thức rất tiến bộ nên hầu hết con em dân tộc Si La đều học hết cấp II, tỷ lệ bỏ học sớm ở các cấp rất thấp. (Trong ảnh: Lớp Mầm non bản Nậm Sin hiện có 19 học sinh dân tộc Si La

Những rào cản về phát triển dân số của dân tộc Si La đã được khuyến nghị cách đây hơn 4 năm, từ kết quả điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS. Theo đó, bên cạnh điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, thì trong đời sống, bà con vẫn còn có những hủ tục đe dọa đến chất lượng dân số. Chính vì vậy, trong khi tuổi thọ của dân tộc Si La thấp hơn nhiều so với bình quân chung 53 DTTS (66,0/70,7 tuổi) thì tỷ lệ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi cao hơn gấp 2 lần (51,60/22,13 ‰); tỷ suất chết thô của dân tộc Si La cũng cao hơn nhiều bình quân chung 53 DTTS (11,0/7,65 ‰).

Một rào cản nữa trong nỗ lực phát triển dân số của đồng bào dân tộc Si La là tâm lý không muốn sinh thêm, dù được chính quyền các cấp khuyến khích, tuyên truyền, vận động. Số liệu điều tra thu thập thông tin KT – XH 53 DTTS cho thấy, trong khi bình quân mỗi hộ DTTS có 4,1 nhân khẩu thì với dân tộc Si La, tỷ lệ chỉ có 3,8 nhân khẩu/hộ; vị chi có rất nhiều hộ đồng bào Si La chỉ sinh một con.

Nghèo là rào cản lớn

Một trong những nguyên nhân khiến đồng bào dân tộc Si La không muốn sinh nhiều do do điều kiện kinh tế còn khó khăn. Đồng bào Si La vốn là những người rất chịu thương chịu khó và có tư tưởng tiến bộ. Ý thức được việc nuôi dạy một đứa trẻ cần nhiều điều kiện nên dù nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào cũng không muốn sinh thêm.

Theo cái lý của người Si La, đẻ ít để lo cho con cái học hành. Từ nhận thức rất tiến bộ này nên hầu hết con em dân tộc Si La đều học hết cấp II, tỷ lệ bỏ học sớm ở các cấp rất thấp. Đặc biệt, tỷ lệ con em người Si La học lên trung cấp, cao đẳng, đại học rất cao. Cách đây hơn 4 năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ của người Si La đã đạt 17,0%; tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp là 16,0%; tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc chuyên môn kỹ thuật bậc cao và trung là 12,2%, cao hơn mức bình quân chung của 53 DTTS và cao hơn rất nhiều lần so với các dân tộc rất ít người.

Trở lại với “cái lý” của đồng bào Si La khi không muốn sinh thêm, là do còn khó khăn về kinh tế. Quả thực, thực trạng nghèo đã và đang là một rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển dân số của dân tộc Si La bấy lâu nay. 

Hơn 4 năm trước, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Si La đã chiếm 34,4%, cùng với đó là 13,4% hộ cận nghèo. Giai đoạn 2021 – 2025, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/NĐ-CP, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc Si La tiếp tục tăng lên.

Đồng bào dân tộc Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Đồng bào dân tộc Si La ở xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chủ yếu sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.

Cụ thể, tại huyện Mường Tè, theo Quyết định số 1141/QĐ-UBND ngày 7/6/2022 phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thời điểm tháng 6/2022, trên địa bàn huyện có 74 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo là dân tộc Si La. Vị chi, đại đa số hộ dân tộc Si La trên địa bàn huyện Mường Tè (tập trung tại 2 bản: Seo Hai và Sì Thâu Chải) đều thuộc diện nghèo đa chiều. Còn tại bản Nậm Sin của huyện Mường Nhé, số liệu của UBND xã Chung Chải báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến trong buổi làm việc ngày 29/4/2023 cho thấy, bản có 52 hộ dân tộc Si La thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm 76,9%), hộ cận nghèo 5,7%.

Từ thực trạng này cho thấy, để phát triển dân số dân tộc Si La thì phải bắt đầu gỡ từ “cái lý” của đồng bào – đó là giải quyết tình trạng nghèo. Với nền tảng năng lực sản xuất hiện có cùng với tư duy tiến bộ của đồng bào dân tộc Si La, để hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, vươn lên làm giàu không phải là bài toán quá khó giải; điều cần nhất là đầu tư, hỗ trợ đúng nhu cầu, trúng địa bàn. 

Đây là vấn đề cần được tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên lưu tâm trong thưc hiện Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, dài hơi hơn là Đề án Tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.