Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khuyến nông với đồng bào DTTS

Những mô hình kinh tế hiệu quả ở huyện miền núi Kỳ Sơn

Hà Anh - 10:50, 27/10/2023

Nhiều năm trước đây, do trình độ dân trí của người dân ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An còn hạn chế, nên vẫn còn tồn tại việc trồng cây thuốc phiện trên địa bàn. Nhằm ngăn chặn, phá nhổ triệt để cây thuốc phiện, chính quyền địa phương đã nỗ lực thay thế diện tích trồng thuốc phiện bằng các loại cây ăn quả như đào, mận cùng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm để giúp đồng bào DTTS ở nơi đây thoát nghèo.

Vụ lạc năm 2023, người dân xã biên giới Nậm Cắn gieo trồng được hơn 60ha lạc.
Vụ lạc năm 2023, người dân xã biên giới Nậm Cắn gieo trồng được hơn 60ha lạc.

Na Ngoi là xã có đỉnh núi cao nhất nhì khu vực Trung Bộ - Puxailaileng với hơn 2.700m so với mực nước biển. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú với 17/19 bản là người Mông. Tận dụng lợi thế đất rừng tự nhiên rộng lớn, chính quyền địa phương xã Na Ngoi đã vận động bà con phát triển các loại cây dược liệu, cây đào kết hợp nuôi trâu, bò, gà đen để tăng thêm thu nhập.

Trước đây đồng bào ở Na Ngoi chỉ biết trồng lúa thì nay nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng cỏ voi để chăn nuôi trâu, bò. Như gia đình anh Xồng Bá Lẩu (Trưởng bản Buộc Mú) đã quyết tâm khởi nghiệp bằng việc mua rẫy để trồng hơn 1.000 gốc đào cảnh cùng rẫy gừng 1,5 ha kết hợp chăn nuôi hàng chục con trâu, bò. Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi kết hợp của gia đình anh Lẩu, nhiều người dân trong bản, trong xã học theo và bước đầu cho thu nhập ổn định…

Như ở xã Hữu Kiệm vốn có vùng đất đồi màu mỡ, chính quyền địa phương đã tận dụng lợi thế này để đưa chuối hột rừng và chuối sứ về thuần hóa, phát triển chuối thành cây trồng có hiệu quả ở địa phương. Hiện nay, với Tổ hợp tác trồng chuối ở xã Hữu Kiệm đã sở hữu 30ha chuối theo hướng hàng hóa. Chuối không chỉ phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương mà còn nhanh cho thu hoạch, do vậy đồng bào DTTS nơi đây nhanh chóng chuyển đổi mô hình sang trồng chuối kết hợp chăn nuôi nâng cao thu nhập. Tất cả các bộ phận của chuối như thân, củ, lá… được người dân tận dụng để làm thức ăn chăn nuôi lợn.

Sau hơn 4 năm trồng và chăm sóc, vườn đào của gia đình ông Lầu Giống Và đã có sản phẩm bán ra thị trường.
Sau hơn 4 năm trồng và chăm sóc, vườn đào của gia đình ông Lầu Giống Và đã có sản phẩm bán ra thị trường.

Theo Tổ hợp tác trồng chuối Hữu Kiệm, trung bình mỗi thành viên có thể thu nhập từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày từ việc bán chuối, bán cây chuối giống, lá chuối, bắp chuối… Chị Vi Thị Khăm (bản Bà) cho biết, hơn 30ha chuối trồng ven sông vừa đem lại cho các hộ trong tổ hợp tác nguồn nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi lợn đảm bảo sạch, vừa là nguồn hàng hóa được thương lái săn lùng, cho thu nhập ổn định.

Tại xã Mường Ải, từ nhiều năm nay giống lúa bản địa đã có dấu hiệu năng suất kém. Các cấp, các ngành đã tìm hiểu và đưa vào giống lúa mới để giúp bà con chuyển đổi mô hình sản xuất, thay đổi phương thức canh tác, nâng cao thu nhập. Chính quyền địa phương đã hướng dẫn gieo trồng cũng như hỗ trợ lúa giống và phân bón vi lượng, thuốc bảo vệ thực vật 100% cho người dân.

Trước đây, người dân ở Mường Ải trồng giống lúa địa phương với năng suất khoảng 35 tạ/ha. Năm nay mùa đầu tiên trồng giống lúa mới VNR20 kết hợp cách canh tác mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đạt năng suất 70 tạ/ha, ai ai cũng phấn khởi. Từ hiệu quả của việc trồng giống lúa mới hiệu quả, chính quyền địa phương đã xây dựng mô hình trồng thâm canh giống lúa VNR20 quy mô 20ha nhằm nâng cao năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn.

Không chỉ hỗ trợ các mô hình sản xuất, các cấp ngành huyện Kỳ Sơn còn hỗ trợ trâu sinh sản cho các hộ dân khó khăn
Không chỉ hỗ trợ các mô hình sản xuất, các cấp ngành huyện Kỳ Sơn còn hỗ trợ trâu sinh sản cho các hộ dân khó khăn

Trước đây, gia đình chị Moong Thị Soi, xã Nậm Cắn chỉ biết trồng lúa rẫy, sau nhiều năm đất bạc màu, năng suất lúa kém, thu nhập của gia đình cũng bấp bênh. Nay được chính quyền tư vấn chuyển đổi sang trồng cây lạc thay thế, nhờ thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên cây lạc sinh trưởng tốt, thu nhập cao hơn nhiều so với lúa rẫy. Gia đình chị cũng mạnh dạn đầu tư giống, mở rộng thêm diện tích trồng lạc để phát triển kinh tế.

Không chỉ có gia đình chị Soi, nhiều gia đình khác ở xã Nậm cắn thấy được hiệu quả từ cây lạc mang lại đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lạc. Thấy hiệu quả từ cây lạc mang lại, người dân xã Nậm Cắn đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng lạc và giảm hẳn diện tích trồng lúa rẫy kém năng xuất. Ban đầu từ chỉ vài hộ trồng lạc, nay người dân trong xã đã trồng được hơn 60ha lạc tập trung chủ yếu trồng nhiều ở các bản Khánh Thành và bản Pa Ca… tạo sinh kế cho các hộ gia đình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.