Năm 2015, anh Nguyễn Anh Hào (thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh) được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Vũ Quang cho vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh Hào đã thuê máy móc san ủi mặt bằng, mở rộng diện tích để trồng 2ha cam và chanh. “Khi nguồn tiền vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, tôi đã đầu tư trồng được gần 400 gốc cam, chanh và chăn nuôi gần 30 con lợn/lứa. Dần dần, bằng nguồn vốn thu được từ các vụ, gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, trang trại có diện tích rộng gần 5ha, chủ yếu trồng cam và chanh, mỗi năm cho thu nhập 600 - 700 triệu đồng”, anh Hào cho biết.
Cũng theo anh Hào, thiếu vốn làm ăn là điều mà anh cũng như nhiều hộ dân khác trên địa bàn luôn trăn trở lúc quyết định đầu tư phát triển kinh tế. May nhờ tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện, người dân mới có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu trên mảnh đất của quê nhà. Không chỉ được vay vốn, bà con còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, cách thức làm kinh tế.
Cũng từ nguồn vay vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, gia đình ông Nguyễn Đức Hải (thôn Hội Trung, xã Đức Liên) đã xây dựng lại chuồng trại rộng hơn, hiện đại hơn để mở rộng quy mô chăn nuôi. “Trước đây, chuồng nuôi nhỏ, vốn không có nên gia đình muốn mở rộng chăn nuôi cũng không thể. Năm 2018, khi được Hội Nông dân huyện hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng, gia đình tôi xây dựng lại chuồng và mua thêm trâu bò, lợn và gà vịt để mở rộng quy mô chăn nuôi”, ông Hải chia sẻ.
Đến nay, đàn trâu bò của gia đình ông Hải có 10 con, đàn lợn gần 80 con và đàn gà, vịt mỗi lứa gần 200 con. Mỗi năm, trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Bà Trần Hồng Vững - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vũ Quang cho biết, gia đình anh Hào, ông Hải chỉ là 2 trong số gần 200 hộ trên địa bàn được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để phát triển kinh tế. Hiện tại, Hội Nông dân huyện đang quản lý nguồn vốn của Quỹ gần 2,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh gần 1,8 tỷ đồng; nguồn vốn của huyện 600 triệu đồng.
“Cùng với việc huy động, giải ngân nguồn vốn vay, Hội cũng thường xuyên giám sát việc sử dụng nguồn vốn, đôn đốc, thu hồi nợ để quay vòng vốn. Nguồn quỹ này được cho vay xoay vòng, cứ sau 24 - 36 tháng thì các hộ vay phải hoàn trả để “tiếp sức” cho những hộ khác”, bà Vững cho biết thêm.
Cũng theo bà Vững, qua kiểm tra, đánh giá, hầu hết người dân sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, chưa để xảy ra tình trạng nợ quá hạn. Đặc biệt, từ khi có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ, những người được vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, ngoài giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình còn tạo sự lan tỏa làm kinh tế trên địa bàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của huyện./.