Ông Giàng A Chu, nguyên là Chủ tịch xã, giờ là một già làng ở Pa Cư Sáng A. Quê ông bốn phía đều chạm núi, ngửa mặt lên là chạm mây, 100% dân thuộc diện hộ nghèo, cái đói cứ bủa vây bản trên, bản dưới như một lời nguyền truyền kiếp. Là Chủ tịch xã nhưng gia đình ông cũng nghèo, vừa công tác xã hội, ông vừa phải đi cày để nuôi đại gia đình đông tới 11 nhân khẩu. Ông Chu cho biết, trước đây, khi Nhà nước dỡ bỏ cây thuốc phiện, gia đình ông cùng bà con dân bản quay sang trồng lúa, trồng ngô và nhặt quả sơn tra đi bán, dù rất cố gắng, song thu nhập thấp, cái đói nghèo vẫn cứ đeo bám.
Năm 2005, một lần Bí thư Tỉnh ủy Sơn La lúc đó là Thào Xuân Sùng lên chúc Tết ở bản, ông nhận định nơi này có thể trồng được thảo quả , sau này sẽ tìm cách để giống cho dân bản. Chờ đã lâu mà chưa thấy dự án về, nghe người ta nói bên huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, người Mông đã biết cách trồng thảo quả làm giàu nên năm 2006, ông Chu quyết đi một chuyến xem sao.
Bắt đầu từ 5h sáng, với hành trình đưa xe máy lên thuyền vượt sông Đà ngược theo hướng TP. Sơn La rồi đi qua huyện Quỳnh Nhai vắt sang huyện Than Uyên, cuối cùng hơn 6h chiều, ông cũng đến được huyện Văn Bàn sau khi vượt hơn 200km đường núi và một lần thủng xăm, phải dắt bộ hàng cây số mới tới được chỗ vá.
Đói khát, mệt lả nhưng khi nhìn thấy nương thảo quả với từng chùm, từng chùm lúc lỉu, đỏ mọng dưới gốc, ông mừng muốn khóc. Ông quỳ xuống bốc một nắm đất xem đất nơi này có giống đất ở quê mình không rồi lại leo lên núi xem độ cao có giống ở quê mình không, con suối, cái cây, cái cối có giống ở quê mình không: “Tất cả đều giống với cây ở rừng núi Hang Chú quê mình nên tôi tin là cây thảo quả cũng phù hợp khi trồng tại bản mình”.
Vậy là vét nốt số tiền trong túi có được, ông mua 15kg giống thảo quả về chia cho dân bản 10kg còn mình ươm 5kg, nuôi mộng làm giàu.
Ông Giàng A Chu cho biết: "Đi đến Nậm Xé, tôi xem cách trồng của họ rồi về hướng dẫn bà con trồng thảo quả. Tôi đi xem hết mấy khu nương mà họ đã thu và xem đất khô hay đất ẩm; sau đó người dân để cho lại cho mấy gốc mới cắt đủ 1 bao tải để tôi mang về chia cho dân". Trong quá trình trồng và chăm sóc cây thảo quả, tôi gặp khó khăn về kỹ thuật, sau đó được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn. Đất không phụ công người, đến nay, 3 ha trồng thảo quả dưới tán rừng của ông Chu đã phát triển xanh ngát. Ngoài diện tích thảo quả, ông còn có 2 ha cây sơn tra ghép mắt; nuôi đàn gia súc, gia cầm hàng chục con... Nhờ vậy, mỗi năm, gia đình ông đã có thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng.
Về cây thảo quả, ông Chu cho biết, cây này rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc. Cây lớn sau khi thu hoạch thì cắt tỉa, số cành, lá cắt tỉa bỏ xuống đất chỗ nào thì chỗ ấy cỏ không mọc lên nữa, nên không mất nhiều công làm cỏ, khá là nhàn.
"Trồng thảo quả là thích nhất, công sức phải bỏ ra ít hơn trồng lúa, trồng ngô. Không phải đầu tư phân, giống, chỉ chăm sóc 2 đến 3 năm là được thu rồi; từ lúc được thu ấy thì rất nhàn" - ông Giàng A Chu chia sẻ.
Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây thảo quả, ông Giàng A Chu cũng tích cực vận động và hỗ trợ nhiều hộ dân trong bản, trong xã trồng loại cây này; nhất là vận động các hộ gia đình không bán thảo quả non mà phải giữ đến khi chín mới bán để được giá cao. Ở bản ông nhà nào ít cũng thu được 30 triệu, nhà trung bình thu được từ 40 - 50 triệu đồng trở lên. Từ nghèo đói, con đường tiến lên giàu có đang ở ngay trước mắt mọi người - điều trước đây dù cho nằm mơ giữa ban ngày họ cũng không dám nghĩ tới. Qua đó, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.
Ông Thào A Chư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Yên (Sơn La) cho biết, hiện nay mô hình kinh tế của ông Giàng A Chu đã được nhân rộng ra 5 xã của huyện, gồm: Tà Xùa, Háng Đồng, Xím Vàng, Làng Chếu và nhất là tại xã Hang Chú, 100% các bản đã trồng cây thảo quả.
"Mô hình trồng cây thảo quả hiện nay như hộ Giàng A Chu thu trên 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ khác thu trên 100 triệu đồng/năm. Năm nay, thương lái đang thu mua giá trên 26.000/kg thảo quả tươi, bà con rất phấn khởi, tin tưởng mô hình ngày càng được nhân rộng", ông Thào A Chư cho hay.
Trồng thảo quả dưới tán rừng là hướng mở để phát triển kinh tế từ nghề rừng, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ rừng. Vì vậy, người nông dân xã Hang Chú, huyện Bắc Yên vẫn rất mong muốn được hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nhất là được quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; có như vậy, sản phẩm quả và thảo dược của bà con mới yên tâm đứng vững trên thị trường. Tránh tình trạng người dân trồng tự phát theo phong trào, dẫn đến được mùa mất giá.
(Bài viết thuộc chuyên đề khuyến nông với đồng bào DTTS)