Qua những mùa hoa
Đầu tháng 4, nắng đã trải dài. Dưới tán rừng keo ở xã Nam Điền, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chộn rộn nhiều lán trại dựng tạm để “chăn ong”. Chủ lán trại ấy là những cư dân ở các tỉnh Tây Nguyên xa xôi ngược ra, bảo vậy. Nghề “chăn ong” du mục từ bao đời đã là nghề chính của họ. Theo những mùa hoa nở, họ mải miết dẫn ong “đi ăn”.
Anh Nguyễn Đình Ba ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) có nhiều năm trong nghề, chậm rãi: "Miền Nam từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa, ong không cho mật lại dễ chết mới phải di chuyển đàn ra Hà Tĩnh “chăn ong” lấy mật. Hơn 250 tổ ong này đã được tôi chuyển ra đây tháng trước".
Theo tay anh Ba, chúng tôi ngước mắt ra xung quanh. Cơ man nào là những tổ ong ken đặc, xếp ngay ngắn dưới những cây keo đang độ lớn. Nghỉ tay đón khách, anh Ba cười hồn hậu, mà rằng, công việc nuôi ong nom đơn giản nhưng lại tỉ mỉ, cầu kì và phải thực sự kiên nhẫn.
Đoạn anh bấm ngón tay, kể về những việc chính mỗi ngày của nghề nuôi ong: Sáng sớm kiểm tra đàn ong để phát hiện ong khỏe hay yếu rồi xử lí, cho ong ăn và quay lấy mật.
Cách nơi anh Ba "chăn ong" nhiều cây số đường rừng, chúng tôi đến huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Trên cung đường Hồ Chí Minh, những triền keo xanh mướt đã là chỗ dừng chân lí tưởng trên hành trình “chăn ong” của anh Lê Văn Thắng.
Thắng ở huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Thắng đã có những 8 năm kinh nghiệm nuôi ong “du mục”. Sở hữu hơn 300 tổ ong khiến Thắng bận hơn có con mọn. Đã cuối mùa mật keo, Thắng phải cho ong ăn; thức ăn là bột đậu nành rang, đường và phấn hoa trộn đều với nhau.
Thắng nhẩm tính: Chi phí mỗi tổ ong (thùng) ít ra cũng 300 nghìn đồng, hoàn thiện thì mất cả triệu đồng, riêng tiền mua 1 con ong chúa không dưới 6 triệu đồng.
Tôi đã chứng kiến những chủ ong lấy mật. Họ phải mang đồ bảo hộ kín mít, cẩn thận mở thùng ong, rồi phun khói vào thùng. Đàn ong tản ra, họ nhanh nhẹn chọn những cầu ong đầy mật. Những người thợ gánh những cầu ong về lán rồi gắn vào cái thùng tròn, để quay. Dựa vào lực li tâm để mật ong văng ra khỏi cầu.
Những người nuôi ong du mục cho biết: Mùa có hoa nở rộ 1 tuần quay mật 1 lần, còn mùa ít hoa, thì tuỳ theo thực tế mà định ngày quay mật. Mỗi năm, một thợ nuôi ong du mục có thể sản xuất được 12-15 tấn mật, giá trung bình mỗi kg mật dao động từ 40-70 nghìn đồng. Thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/tháng.
Nuôi ong du mục là nghề cho ong ăn theo từng mùa hoa. Người nuôi ong đã thuộc nằm lòng những mùa hoa nào cho mật thơm ngon, những mùa hoa nở, những vùng đất nào có thể đến … Để rồi khi chân đã mỏi, tiết trời chuyển rét; tháng 11, 12, ong được đưa về nghỉ ngơi, củng cố lại đàn chờ mùa xuân mới. Ra tết, cuộc sống du mục lại bắt đầu…
Lắm nỗi trân chuyên
Nắng miền Trung như đổ lửa, túp lều bằng vải bạt lụp xụp dựng lên giữa bốn bề núi rừng giúp người nuôi ong trú nắng, tránh mưa. Nắng nóng đã đáng ngại, nhưng những cơn mưa giông mùa hè còn nguy hiểm hơn. Nhiều khi mưa đến bất chợt, căn lều chao đảo rồi bị hất tung, đồ đạc ướt sũng.
Anh Lê Nguyên Trung quê ở Quảng Nam, chủ 300 tổ ong tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương (Nghệ An) kể: Mưa rừng khiếp lắm, đất sạt lở, nước trôi rất dữ. Không để ý, tổ ong bị đổ thì công toi. Còn muỗi mòng thì vô kể. Có hôm trời động, mắc màn ngồi, muỗi đậu đen kín mà hãi.
Nuôi ong du mục như “đánh bạc với trời”, là cuộc mưu sinh không mệt mỏi để làm nên những giọt mật cho đời. Không chỉ có sức khỏe mà chính họ còn phải nhẫn nại, tỉ mỉ. Biền biệt xa nhà, làm bạn với ong, với núi rừng nơi hẻo lánh, xa xôi… là những “đặc sản” mà chủ ong hiện có.
Gắn bó với vùng đất Tân Kỳ (Nghệ An) từ nhiều năm nay, chủ đàn ong 200 tổ, anh Nguyễn Doãn Thành trải lòng: Nuôi ong là nghề nếm mật nằm gai, một đồng tiền lãi, chín giọt mồ hôi, nuôi ong không chỉ vất vả mà gặp rủi ro lại nhiều.
Dẫn chúng tôi vào túp lều bằng vải bạt lụp xụp dưới tán keo, trong lều chỉ có một chiếc giường, anh Thành tâm sự: Chúng tôi hay gọi đùa những túp lều này là "khách sạn ngàn sao" và nói lạc quan, là một trong những yếu tố giúp người nuôi ong di cư sống được với nghề.
Điều khiến người nuôi ong di cư lo sợ nhất, là làm phật lòng chủ vườn hoặc người dân bản địa. Đã có rất nhiều chủ ong bị thiệt hại nặng khi bị chủ vườn “trở chứng” xua đuổi vì phật ý, hoặc do thiếu hiểu biết nên nghĩ ong làm hại hoa màu, vườn cây của họ. Mỗi lần bị đuổi là mỗi lần người nuôi ong lãnh đủ, vì chi phí cho mỗi chuyến xe di chuyển ong từ vùng này đến vùng khác rất tốn kém.
Rồi chuyện những tay “anh chị” vào xin đểu cũng không phải là hiếm. Lo nhất là bệnh thối ấu trùng, đau bụng khiến ong chết. Nếu không vững về kỹ thuật sử dụng ong chúa khiến cả đàn bỏ đi, thiệt hại còn nặng nề hơn.
Những ngày chuyển ong như một cuộc đua. Chập tối, khi những chú ong thợ cuối cùng bay về, người nuôi đóng tổ lại, rồi vận chuyển thật nhanh lên xe. Có những cuộc di cư vài trăm km, đến nơi còn tối um cũng phải chạy đua dỡ thùng đặt xuống để ong sớm ổn định, để khi trời sáng, những chú ong thợ bay ra khỏi tổ định hướng, rồi đi tìm mật.
Đến với những người nuôi ong tôi mới cảm nhận rõ tất cả sự cần mẫn, chăm chỉ và nhẫn nại để có được những giọt mật sóng sánh, vàng tươi. Người và ong như những cư dân du mục, đến rồi đi theo những mùa hoa.