Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đi giữa vùng “chảo lửa”

Thanh Nguyễn - 11:52, 24/05/2021

Nắng trên đầu, nóng dưới đất…, không khí hầm hập như lò nung. Cái nắng quắt quay như biến cả vùng Trung Bộ thành một “chảo lửa” khổng lồ. Cuộc mưu sinh đang trở nên nhọc nhằn hơn với người lao động.


Một phụ nữ chuyên nghề bốc vác hàng thuê ở chợ Vinh
Một phụ nữ chuyên nghề bốc vác hàng thuê ở chợ Vinh


Vật vã mưu sinh

Chưa đến 9h sáng, thành Vinh (Nghệ An) đã ngột ngạt. Nắng trên đầu, nóng từ dưới đất phả lên khiến không khí hầm hập như lò nung. Cái nắng cháy da như khiến cho những lao động tự do ngồi bên vỉa hè thêm khốn khổ. 

Uể oải, trở mình trên cánh võng mắc tạm dưới bóng cây sát vỉa hè, chị Nguyễn Thị Nam (quê Thanh Hóa vào Vinh làm cửu vạn) thở dài: “Nắng chi mà khiếp. Chỉ ngồi thở thôi đã mệt. Tôi bận mấy lớp áo vẫn nóng. Hình như khi nắng nóng công việc lại ít hơn. Mấy chị em tôi chờ việc đã mấy ngày nay nhưng chưa có ai thuê; sáng ra đây ngồi đợi, chiều tối lại về chỗ trọ nên cái ăn cứ phải tằn tiện”.

Cùng cảnh ngộ như chị, mấy lao động tự do khác ngồi kế bên, ngoảnh mặt để tránh cái nhìn của chúng tôi. Từ chân lên đến đỉnh đầu được họ bịt kín trong những áo mũ bảo hộ. 

Chẳng ai buồn nói, chỉ trả lời lấy lệ những câu hỏi của chúng tôi. Dường như, họ đang tiết kiệm sức lực của chính mình dưới cái nắng oi bức nơi “chảo lửa” miền Trung.

Khung giờ vàng chập tối đang là thời điểm hợp lí để người dân ra đồng
Khung giờ vàng chập tối đang là thời điểm hợp lí để người dân ra đồng

Rời vườn hoa cửa Bắc, nơi chị Nam và những lao động tự do đang “chống chọi” với nắng nóng để tìm việc, chúng tôi đến chợ Vinh. Từ lâu, đây đã là “lãnh địa” của những lao động nghèo mưu sinh. 

Mặc nắng cháy da, mặc hơi nóng hầm hập, những lao động chuyên nghề bốc vác, chở hàng thuê nơi chợ Vinh vẫn cần mẫn với công việc thường ngày. Cả những kiện hàng to, được họ nhấc bổng gọn gàng rồi vít lên vai, “cõng” qua nhiều dãy hàng để ra xe. 

Nghề cửu vạn, mùa nào cũng cực. Nhưng cực nhất là những ngày nắng nóng, áo quần cứ ướt sũng cả ngày.

Ông Nguyễn Quốc PhúMột cửu vạn quê Hà Tĩnh ở chợ Vinh

Gắn bó với nghề cửu vạn ở chợ Vinh từ 10 năm nay, ông Nguyễn Quốc Phú (quê Hà Tĩnh) trải lòng: “Có hôm tôi khuân xong mấy kiện hàng ra xe, định đi giao cho khách thì trời đất tối sầm lại. Tỉnh dậy tôi thấy mình đang ngồi ở bậc thềm, xung quanh là những người bạn trong nghề. Hỏi ra mới biết mình bị say nắng, tụt huyết áp”.

Có dịp chứng kiến bữa trưa của những lao động tự do, mới thấy, cuộc đời họ đã nhọc nhằn, khốn khó ngay từ trong miếng ăn, giấc ngủ. Lấy vỉa hè làm bàn, chị Nam và những người cùng cảnh giở cơm nắm mang theo để ăn. Chẳng có canh, chỉ ít rau, vài miếng đậu phụ và bìa trứng rán mỏng; họ trệu trạo nhai trong nắng gắt. 

Sau bữa trưa vội vàng, ai nấy tự tìm cho mình chỗ bóng râm trên vỉa hè, ngả lưng tìm giấc ngủ chập chờn. Sát đó, đường phố đã vắng người. Lúc ấy, trời đã đứng bóng.

Giấc ngủ trưa khó nhọc giữa nắng nóng thành Vinh
Giấc ngủ trưa khó nhọc giữa nắng nóng thành Vinh

Lấy đêm làm ngày để… trốn nắng!

Trung Bộ mùa này nắng cháy da. Cái nắng gay gắt như thiêu đốt mọi vật trong khung giờ nắng, từ 9 giờ đến 15 giờ. Từ thành phố đến thôn quê, từ công trường đến đồng ruộng, người lao động đang tự điều chỉnh khung thời gian làm việc của chính mình cho phù hợp.

Đi qua nhiều vùng miền ở Trung Bộ, từ trong đêm tối, những cánh đồng như ồn ã, nhộn nhịp hơn bởi tiếng máy, tiếng người. Trốn nắng, nông dân vùng Trung Bộ đã tổ chức thu hoạch lúa và gieo cấy vụ mới khi mặt trời đã gần tắt, thậm chí là đỏ đèn làm đêm.

Ông Trần Văn Minh, chủ máy gặt lúa trên cánh đồng thôn Thanh Mỹ, xã Cẩm Quan huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi đêm tôi cùng hai lao động khác gặt được gần 30 sào lúa. Ban ngày mà phơi mình giữa nắng thì cực cho chủ máy lẫn nông dân, gặt đêm thế này dễ chịu hơn nhiều”.

Nắng nóng gay gắt và kéo dài đang là “cơn ác mộng” với không ít người. Thế nên, để đảm bảo lịch thời vụ; bà con nông dân vùng Trung Bộ đã lấy đêm làm ngày để tổ chức thu hoạch lúa và sản xuất vụ mới.

Người dân trốn nắng thu hoạch lúa vào ban đêm
Người dân trốn nắng thu hoạch lúa vào ban đêm

Những nông dân trên cánh đồng lúa Triệu Phong (Quảng Trị) cho hay: Chuyển từ làm ngày sang làm đêm là lựa chọn tốt nhất trong thời điểm nắng nóng gay gắt. Nhiều gia đình đã đưa cơm, bật đèn ăn ngay chính trên đồng ruộng.

Trong cuộc gặp với tôi gần đây, anh bạn là giám đốc một công ty xây dựng ở Quảng Bình kể rằng: Mùa nắng, công ty gần như tổ chức thi công vào ban đêm. Mỗi ngày đêm, có đến hai ca. Ca 1 bắt đầu từ 18h đến 24h và ca hai từ 24h đến 6h sáng hôm sau. Dù bất tiện và quản lí vất vả hơn nhưng anh em công nhân đỡ mệt do nắng nóng. Còn ban ngày, tất cả được nghỉ ngơi để đêm đến lại tiếp tục công việc.

Cái nắng quắt quay như biến cả vùng Trung Bộ thành một “chảo lửa” khổng lồ. Chợt nhớ “Tiếng Nghệ” của Nguyễn Bùi Vợi: “Gió Lào thổi rạc bờ tre”… Chỉ mỗi từ “rạc” thôi đã thấy trong đó bao nhiêu là hốc hác, phờ phạc, xác xơ… vì nắng gió. Nhưng guồng quay mưu sinh nhọc nhằn ấy vẫn không thể dừng.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.