Về đến nhà mới là bình an!
Vượt qua thị trấn Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) mười cây số, “thủ phủ” của đá trắng, quặng thiếc đã lộ ra. Cả những dãy núi dài kéo từ Châu Quang, Châu Thành, Châu Hồng… đã bị cạo trọc, xẻ nham nhở để lấy đá, lấy quặng. Vùng mỏ Quỳ Hợp như một đại công trường hỗn tạp.
Ban đầu mới vào nghề, nghe tiếng cưa rẹt trên phiến đá đã ớn lạnh. Riết rồi giờ cũng quen. Nghề làm đá bạc lắm, lại rất vất vả
Thợ đá Vi Văn Nguyên - Bản Tiệng, xã Châu Thái
Chúng tôi đã có nguyên cả một ngày “quần thảo” ở nhiều khu vực khai thác, chế biến đá của Quỳ Hợp. Không thể hỏi han, giới thiệu, bởi cả một khu rừng náo loạn với thứ âm thanh hỗn tạp, kinh dị từ tiếng máy, tiếng xe rồi tiếng người. Thỉnh thoảng trong bản nhạc hổ lốn ấy lại được điểm thêm những tiếng ùng oàng do nổ mìn phá đá.
“Cẩn thận, đá văng nguy hiểm”, tiếng chủ xưởng xẻ đá Vi Văn Minh ở bản Tiệng, xã Châu Thái thất thanh khi chúng tôi ghé thăm. Tôi giật mình bấm vội mấy kiểu ảnh trước khi lùi xa. Còn thanh niên 9X Vi Văn Nguyên (cùng bản với chủ xưởng) tay trần, mũ vải, không kính đang hì hục đưa lưỡi cưa xẻ phiến đá vuông vức. Tiếng cưa máy xoèn xoẹt lẫn bụi đá bắn tứ tung khiến chúng tôi rùng mình.
Một lát, Nguyên ngừng tiếng cưa uống nước, khuôn mặt cậu giờ như được hóa trang bởi lớp phấn trắng. “Ban đầu mới vào nghề, nghe tiếng cưa rẹt trên phiến đá đã ớn lạnh. Riết rồi giờ cũng quen. Nghề làm đá bạc lắm, lại rất vất vả”, Nguyên nói nhỏ.
Trong rất nhiều vị trí đã đến, tôi chú ý nhất những công nhân khoan đá tại các mỏ. Ở độ cao hàng chục mét, họ như lọt thỏm giữa nham nhở, cheo leo của núi đá khổng lồ. Có thâm niên gần 10 năm bán sức tại các mỏ đá, Lô Văn Điệp ở xóm Quang Thịnh xã Châu Quang rất thấm thía đủ mùi vị của nghề phu đá. Điệp bộc bạch: Về đến nhà mới hết hồi hộp, lo sợ. Công việc khoan đá khổ cực lắm, nguy hiểm nhiều nhưng thu nhập thì rất thấp.
Nghe tiếng xe quen thuộc của Nguyên sau một ngày xa cách, người mẹ già Lô Thị Châu tất tả chạy sang, như thể đó là việc mà bà đã thực hiện kể từ ngày người con trai “gắn bó” với nghề xẻ đá. Bà Châu trải lòng: Nhà tui có 3 thằng theo nghề đá. Quần quật cả ngày mà chỉ đủ ăn thôi. Vừa rồi, đá lăn giữa trưa gây chết người, dù biết con mình không làm chỗ đó nhưng vẫn không tài nào bình tĩnh được. Ngày mô con đi làm là ngày nớ lòng mình chẳng yên.
Ở vùng mỏ Quỳ Hợp, đã bao gia đình tan nát vì đá lở, sập hầm; rất nhiều người đã chẳng còn lành lặn vì nghề; biết bao người mới sáng còn chào nhau đi làm, tối đã chẳng trở về. Bà Đinh Thị Hải Lý, Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Quỳ Hợp thông tin: Năm mô cũng có trường hợp chết người hoặc bị thương vì đá. Nhiều vụ việc, chủ mỏ dấu kĩ, tự thương lượng với bị hại nên chính quyền không biết hết được.
Canh cánh mưu sinh
Có người từng thốt lên rằng, ở Quỳ Hợp, cả làng đi đào đá, một thời cả xã đi bới thiếc. Dẫu hiểm nguy, vất vả nhưng những lao động nơi đây chẳng thể bỏ nghề. Ngày tiếp ngày, từ những vùng mỏ, công xưởng ngập đầy đá và bụi, những phu đá trở về mang theo tiền công kiếm được của một ngày nhọc nhằn; nhen lên niềm hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa con, đứa cháu.
Trước hiên nhà, anh Lê Viết Quang, Xóm trưởng xóm Quang Thịnh, xã Châu Quang kể rành rẽ về hoàn cảnh của 80 phu đá trên địa bàn. Mỗi người một số phận, hoàn cảnh nhưng theo anh Quang thì: “Ở đây, không làm phu đá thì làm nghề gì để sống. Ruộng nước mỗi hộ 1 sào, năm hai vụ lúa chỉ đủ thóc ăn. Tất cả chi tiêu học hành của con cái, đau ốm, sắm sanh… đều trông nhờ những ngày làm thuê ở các mỏ, xưởng”.
Tôi đã để ý suốt những cuộc vào, ra nơi điểm mỏ, ngoài một màu bạc thếch phủ kín cành cây, mái nhà; cuộc đời của những phu đá ở “miền khoáng sản” hầu như không mấy khấm khá. Lô Văn Điệp ở xóm Quang Thịnh, xã Châu Quang có lẽ là điển hình cho số đó. Dù đã ngót 10 năm theo nghề, nhưng tổ ấm của Điệp chỉ là hai gian nhỏ, thấp tè, mái lợp phiboroximang và con Wave tàu cũ rích. Điệp trầm tư: nghề này là nghề bán sức ăn dần. Muốn có việc làm tốt hơn nhưng kiếm đâu ra, mình chỉ là lao động phổ thông mà. Rồi Điệp kể: nhiều người vì chủ mỏ bể nợ, phải chạy khắp nơi tìm việc mà chưa có đấy.
Theo một thông tin sơ bộ, toàn huyện Quỳ Hợp có khoảng 7.000 lao động phổ thông làm việc tại các mỏ, xưởng khai thác và chế biến đá, thiếc. Đáng chú ý, trong số đó có rất nhiều lao động thời vụ, không được kí hợp đồng và không hề được đóng bảo hiểm xã hội. Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Quỳ Hợp Đinh Thị Hải Lý chia sẻ: Chúng tôi cũng đã thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tập huấn cho chủ mỏ, người lao động đảm bảo an toàn khi làm việc. Nhiều cuộc kiểm tra, chúng tôi phát hiện mất an toàn và đề nghị đình chỉ làm việc nhưng một số chủ mỏ đối phó, chống đối, thiếu hợp tác.
Với tôi bây giờ, khi ngồi bên trang viết và xem lại tấm ảnh vừa chụp được, lòng vẫn không thôi thấp thỏm. Cuộc mưu sinh của những phu đá ở Quỳ Hợp đang được đánh đổi bằng sức khỏe, tính mạng mỗi ngày. Nếu không được quản lý chặt chẽ thì hiểm họa nổ mìn, sập lèn, sập mỏ và tang thương sẽ còn tiếp diễn.