Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhiều cách làm để giảm thiểu tảo hôn ở huyện vùng cao Lộc Bình

Mỹ Dung - CTV - 05:30, 19/07/2024

Là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Lạng Sơn với trên 96% là người DTTS sinh sống, người dân vùng cao Lộc Bình vẫn còn tồn tại một số hủ tục, trong đó có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Huyện đã và đang đẩy mạnh nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của bà con vùng DTTS nơi đây, nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng này.

Các y, bác sĩ tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân cho các đoàn viên thanh niên, các em học sinh
Các y, bác sĩ tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân cho các đoàn viên thanh niên, các em học sinh kết hợp với tuyên truyền hệ lụy từ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Trước tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết (HNCHT) trên địa bàn huyện Lộc Bình còn tồn tại dai dẳng, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, những năm gần đây, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như  “đi từng ngõ gõ từng nhà” vận động kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các chương trình thông tin lưu động; tổ chức các hội nghị, tập huấn cung cấp thông tin về Luật Bình đẳng giới, kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản; tổ chức các buổi ngoại khóa tuyên truyền cho học sinh ở các trường học trên địa bàn...

Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền 110 cuộc đến với khoảng 8.000 lượt người nghe, về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức 16 hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình cho gần 1.200 đại biểu tham dự.

Ông Dương Văn Toán, thôn Lăng Xè, xã Đồng Bục cho biết: Gia đình ông có cô con gái năm nay 15 tuổi, dự định tổ chức đám cưới vào đầu tháng 2/2024.  “Nói thật là cỗ bàn đã được đặt, thiệp cũng đã gửi mời nhưng khi được chính quyền xã  vận động và giải thích về mặt trái của việc tảo hôn, gia đình đã quyết định dừng việc tổ chức đám cưới”.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các thôn, bản trên địa bàn huyện đã đưa một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình vào quy ước, hương ước của thôn sao cho phù hợp. Đến nay 100% thôn, khối phố trong huyện đã tổ chức cho các gia đình ký cam kết nói không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lộc Bình đưa sách, báo đến phục vụ bà con dân tộc ở các xã trong huyện giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lộc Bình đưa sách, báo đến phục vụ bà con dân tộc ở các xã trong huyện giúp đồng bào nâng cao nhận thức, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật

Mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Một trong những giải pháp đang được thực hiện hiệu quả,  là triển khai mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong vùng đồng bào DTTS” tại xã Ái Quốc. Xã có 9 thôn, 2.193 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm đến gần 97%, đây là xã đặc biệt khó khăn của huyện có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.

Được triển khai từ năm 2021, UBND xã đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã và Ban vận động triển khai thực hiện mô hình, chủ động nắm bắt thông tin về các đối tượng có nguy cơ tảo hôn, kịp thời có giải pháp vận động dừng tổ chức đám cưới, huỷ hôn...; phối hợp với trường THCS trên địa bàn để đưa nội dung tuyên truyền về hậu quả của tảo hôn đến học sinh, nhất là các em đang ở lứa tuổi dậy thì.

Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Nhờ triển khai mô hình, nhận thức của người dân cũng được nâng lên, năm 2023, xã đã vận động dừng 2 đám cưới tảo hôn. Từ đầu năm 2024 đến nay, xã cũng không ghi nhận trường hợp tảo hôn nào. Từ năm 2021 đến nay, xã cũng không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 2: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 9 Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Sở Y tế; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Sở Tư pháp; UBND huyện Lộc Bình tổ chức các hoạt động tuyên truyền thực hiện mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông tại xã.

Qua chương trình, đoàn viên thanh niên, các em học sinh được trang bị thêm thông tin, kiến thức nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hội nghị tuyên truyền thực hiện mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình
Hội nghị tuyên truyền thực hiện mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình

Với những giải pháp linh hoạt, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông trên địa bàn huyện Lộc Bình đã có chiều hướng giảm qua từng năm. Nếu như năm 2022, toàn huyện có 84 trường hợp tảo hôn, thì năm 2023 giảm còn 45 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có 3 trường hợp. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết, trong việc triển khai các giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thì hằng năm, phòng đều tổ chức 1 – 2 cuộc tuyên truyền, tập huấn cho đại diện lãnh đạo, cán bộ cấp xã, trưởng thôn bản, các đoàn thể về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông; thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các mô hình điểm trên địa bàn. 

"Với những kết quả từ thực hiện mô hình điểm, phòng sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình ra một số địa bàn vùng DTTS khác trong thời gian tới", bà Thu Hương cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.