Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bác sĩ người Chứt và hành trình xóa bỏ hủ tục ở xã vùng biên Dân Hóa

Minh Nhật (t/h) - 07:05, 21/05/2024

Chứng kiến cảnh nhiều người dân chữa bệnh bằng cách nhờ thầy cúng trừ tà ma...mà không khỏi, tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí đã có những cái chết thương tâm... càng hun đúc thêm ý chí phải học trong chàng thanh niên Cao Xuân Tiêm. Ước mong mang kiến thức y khoa về cứu chữa cho bà con dân bản đã được vun đắp, trở thành hiện thực đối với bác sĩ người dân tộc Chứt nơi vùng biên Quảng Bình.

Bác sĩ Cao Xuân Tiêm - Trạm trưởng Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Y tế Dân Hóa).
Bác sĩ Cao Xuân Tiêm - Trạm trưởng Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Y tế Dân Hóa).

Bác sĩ Cao Xuân Tiêm, hiện là Trạm trưởng Trạm Y tế Y Leeng (Trạm Y tế Dân Hóa) sinh ra trong gia đình người dân tộc Chứt tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình). Quê hương anh là xã miền núi vùng biên, phần lớn cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Từ nhỏ, cuộc sống gia đình cơ cực, anh luôn hiểu được rằng, phải nỗ lực học lấy "con chữ" mới có cơ hội thoát nghèo, mang tri thức giúp dân bản.

Bác sĩ Tiêm chia sẻ, anh cũng đã từng nghe nhắc đến hủ tục “mẹ chết chôn con theo” của người Ma Coong, người Khùa, Sách, Mày, Rục ở Quảng Bình. Đặc biệt, chứng kiến  tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, khi ốm thì chỉ mời thầy mo về cúng trừ ma đuổi bệnh...gây nhức nhối mà nguyên nhân, đều là do nhận thức hạn chế, nhất là là về kiến thức y tế chăm sóc sức khỏe của người dân.

Theo đó, qua những buổi khám bệnh tại Trạm Y tế cũng như sinh hoạt với thôn bản, bác sĩ Tiêm kết hợp tuyên truyền bằng cách "mưa dầm thấm lâu" để đồng bào nâng cao nhận thức trong công tác chăm sóc sức khỏe. Dần dần khi có bệnh, bà con không còn đến nhờ thầy cúng mà tìm đến Trạm Y tế. 

"Trước đây khi đau ốm ai cũng nghĩ do con ma rừng gây ra nên nhờ thầy cúng. Nhờ có bác sĩ Tiêm là người con dân bản được ăn học nên chữa hết bệnh cho bà con, ai ai cũng tin theo. Từ nay bà con ốm đau là đến Trạm Y tế", ông Hồ Thoong, trú bản K-Ai, xã Dân Hóa bày tỏ.

Bác sĩ Tiêm vào bản tuyên truyền bà con phòng các bệnh thời điểm giao mùa
Bác sĩ Tiêm tuyên truyền cho bà con phòng các bệnh thời điểm giao mùa

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biên, bác sĩ Tiêm luôn có thái độ ứng xử, giao tiếp phù hợp, tránh gây phiền hà cho người dân, tạo niềm tin cho dân bản khi đến khám, điều trị tại trạm.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cho biết, từ khi về công tác tại Trạm Y tế xã Dân Hóa, bác sĩ Cao Xuân Tiêm góp phần lớn vào việc thay đổi nhận thức của bà con, xóa bỏ các hủ tục như cúng, thổi, sinh đẻ ở chòi…

Trước đây, khi người phụ nữ DTTS gần đến ngày sinh người dân sẽ dựng chòi ở bìa rừng hoặc bờ suối để sinh nở. Nguy cơ xảy ra biến chứng xấu cho sức khỏe của sản phụ và trẻ là rất cao. Chính quyền cùng cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền để xóa bỏ tập tục này.

Người dân được các sĩ Tiêm và đồng nghiệp thăm khám tại nhà.
Người dân được bác sĩ Tiêm và đồng nghiệp thăm khám tại nhà

Khi về nhận công tác tại xã nhà, bác sĩ Tiêm cùng đồng nghiệp nhiều lần lặn lội vào các bản xa đỡ đẻ, chăm sóc cho mẹ con sản phụ. Cùng với đó, vị bác sĩ cũng vận động, chia sẻ với bà con sự nguy hiểm của phương thức sinh chòi, sinh bờ suối. Đến nay, tại Dân Hóa, hủ tục "đẻ chòi" gần như được giải quyết dứt điểm, giảm thiểu nhiều hiểm nguy thường trực với sản phụ trong lúc "vượt cạn".

"Để giải thích, thuyết phục, động viên bà con trong các bản mỗi khi sinh đẻ, ốm đau phải đến Trạm Y tế, chúng tôi "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động. Đích đến đầu tiên là các già làng, trưởng bản, bởi hơn ai hết, những người này, tiếng nói luôn có trọng lượng với bà con dân bản", bác sĩ Tiêm chia sẻ.

Ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, Trạm Y tế của xã thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 5.000 người dân trên địa bàn, với hơn 80% là đồng bào DTTS. 

Trạm Y tế xã Dân Hóa thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho khoảng 5.000 người dân trên địa bàn trong đó 80% là người DTTS
Trạm Y tế xã Dân Hóa thực hiện chăm sóc sức khoẻ cho khoảng 5.000 người dân trên địa bàn trong đó 80% là người DTTS

"Bác sĩ Cao Xuân Tiêm sinh ra và lớn lên ở vùng đất này nên rất hiểu hoàn cảnh khó khăn cũng như các hủ tục lạc hậu. Trong công tác, bác sĩ Tiêm luôn năng nổ và tâm huyết. Với sự năng động của một trạm trưởng, sự tận tình của một thầy thuốc, bác sĩ Tiêm xây dựng Trạm Y tế xã Dân Hóa trở thành địa chỉ tin cậy khi ốm đau của bà con", ông Đinh Văn Chinh cho biết.

Theo bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh có nhiều bác sĩ người DTTS được đào tạo bài bản về y học, sau khi tốt nghiệp trở về quê hương chăm sóc sức khỏe cho bà con dân bản. Với tinh thần tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, họ để lại những hình ảnh đẹp, tình cảm sâu sắc, được chính quyền và người dân quý mến, tin yêu.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.