Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Người tiên phong đẩy lùi hủ tục ở vùng cao Thanh Hóa

Tào Đạt - CTV - 06:57, 15/04/2024

Là người con của đồng bào Mông, ông Lầu Minh Pó (sinh năm 1961) ở xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, là Người có uy tín tiêu biểu đã góp phần quan trọng giúp đồng bào mình có những chuyển biến lớn về nhận thức. Ông Pó luôn tâm niệm, bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc cần lưu giữ thì những hủ tục phải được loại bỏ để xây dựng đời sống văn hóa mới, văn minh, hiện đại.

Ông Lầu Minh Pó - Người có uy tín tiêu biểu bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Ảnh: Đức Thắng)
Ông Lầu Minh Pó - Người có uy tín tiêu biểu bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (Ảnh: Đức Thắng)

Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá cuối năm 2023, ông Lầu Minh Pó, được đại diện Người có uy tín, phát biểu tham luận về công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở cơ sở.

Theo lời ông Pó, người Mông ở huyện Mường Lát chiếm 44,8% dân số với 8 dòng họ cùng chung sống đoàn kết, tương thân, tương ái với các dân tộc khác từ bao đời nay. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc triển khai thực có hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách an sinh xã hội, đời sống, tinh thần của đồng bào Mông những năm qua được nâng lên về nhiều mặt.

Tuy nhiên, do trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào Mông trên địa bàn còn nhiều hạn chế, cộng với tính tự ti, bảo thủ, không chịu tiếp thu học tập những tiến bộ của xã hội cũng như các dân tộc xung quanh nên người Mông dễ bị kích động, lôi kéo từ các đối tượng vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta. Điển hình là việc các thế lực thù địch tuyên truyền, cấu kết, lôi kéo một số đối tượng xấu trên địa bàn, có thời điểm rộ lên thông tin, người Mông sẽ có một nhà nước riêng, khiến một bộ phận đồng bào Mông địa bàn hoang mang, dao động.

Là Người có uy tín trong cộng đồng, qua các buổi tuyên truyền, ông Pó luôn khẳng định với bà con rằng: Thế giới này không có “Nhà nước Mông" nào cả. Đó chỉ là tư tưởng, ảo tưởng, hoang đường mà thôi. Người Mông là con dân của nước Việt Nam, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư các chế độ chính sách về mọi mặt; ốm đau được chữa bệnh miễn phí; con cháu đến trường không mất tiền; cấp tiền cho người nghèo làm nhà; cấp giống trâu, bò, lợn cho dân nuôi, gạo cho dân ăn… đó mới là thực tế. Vì vậy, người Mông phải sống cho xứng đáng, không phụ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với mỗi cá nhân, gia đình và đồng bào mình.

“Đến nay, trên địa bàn Mường Lát không còn người Mông mơ hồ về luận điệu “Nhà nước Mông", ông Pó khẳng định.

Ông Lầu Minh Pó trưởng thành từ một giáo viên tiểu học, năm 1989, ông giữ chức Hiệu phó Trường Phổ thông cơ sở cấp 1-2 xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Qua nhiều vị trí công tác, năm 2005, ông Pó là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy; trước khi nghỉ hưu là Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. 

Trên các cương vị công tác, ông luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để xóa bỏ được những hủ tục đã kéo lùi sự phát triển trong cộng đồng DTTS của mình. Cùng với sự tham mưu chủ động của lực lượng Công an, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn, ông Pó tích cực trong tham mưu cấp ủy, chính quyền, các ban ngành trong hệ thống chính trị và bản thân phải gương mẫu đi đầu, tạo đột phá trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Mông.

Một trong những vấn đề nhức nhối kéo dài trong đồng bào người Mông đó là, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, khiến cho người Mông ở đây không theo kịp các tộc người khác cả về đời sống vật chất và tinh thần. 

Để thay đổi thực trạng này, ông Pó đã sáng tạo ra cách tuyên truyền bằng những câu chuyện thực tế: “Phụ nữ kết hôn chưa đủ 18 tuổi, nam chưa đủ 20 tuổi; kết hôn và hôn nhân cận huyết thống sẽ giống như chọn giống ngô, giống lúa; bắp ngô, bông lúa chưa chín, chưa khô vàng, đang còn tươi xanh thì khi gieo trồng sẽ không nảy mầm hoặc nảy mầm sẽ yếu ớt. Con người cũng vậy, nếu kết hôn chưa đủ tuổi, cơ thể người phụ nữ chưa đủ sức dưỡng sinh một đứa trẻ ra đời, khi sinh ra sẽ còi cọc, con không to cao bằng cha, cha không to cao bằng ông, làm cho thế hệ con cháu nhỏ dần, lùn đi.”...; Nhờ vậy, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã được người Mông ở Mường Lát đẩy lùi, xóa bỏ.

Cùng với việc tuyên truyền xóa bỏ nạn tảo hôn, ông Lầu Minh Pó cũng thành công trong việc vận động bà con đưa người chết vào quan tài để chôn cất và rút ngắn thời gian làm lễ cúng, tế người đã khuất theo nếp sống mới.

Đồng bào Mông đã biết đưa người chết vào quan tài khâm liệm, không còn treo ở giữa nhà và không để lâu trong nhà. (Ảnh: T.L)
Đồng bào Mông đã đưa người chết vào quan tài khâm liệm, không còn treo ở giữa nhà và không để lâu trong nhà. (Ảnh: T.L)

Từ tháng 2/2013 trở về trước, người Mông ở Mường Lát duy trì tục lệ, khi có người chết, đám tang kéo dài, cúng tế từ 5-7 ngày, thi thể người đã chết không bỏ vào quan tài mà để trên cáng, treo ở góc nhà. Không chỉ mất vệ sinh, đám tang còn rất tốn kém. Người Mông luôn quan niệm khi bố mẹ mất, các con trai trong nhà phải đóng góp mỗi người một con bò để làm lễ cúng bố mẹ. Có gia đình 5-7 anh, em trai thì phải đóng góp 5-7 con bò, chi phí từ vài chục triệu đồng đến hơn cả trăm triệu đồng.

"Nhiều nhà không có tiền buộc phải đi vay, mượn để mua trâu, bò. Sau đám tang, họ lâm cảnh nợ nần, đi làm vài năm sau còn chưa trả hết nợ. Không chỉ lãng phí mà còn rất mất vệ sinh, trong nhà người quá cố bốc mùi vì treo quá lâu ngày, còn con cháu ở bên ngoài ăn uống say sưa. Đến giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn thấy ám ảnh", ông Pó nói.

Từ năm 2005, trên cương vị là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, ông Pó bắt đầu tuyên truyền người Mông xóa bỏ hủ tục tang ma nhưng không có nhiều chuyển biến.

Đến tháng 3/2013, khi người chú ruột Lầu Chứ Dơ (65 tuổi) ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát qua đời, ông Pó thuyết phục người thân đưa thi thể người chú vào quan tài, song đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người thân, dòng tộc. Bằng nhiều cách vận động, tuyên truyền, ông Pó thuyết phục được người thân đưa thi thể ông chú vào quan tài để mai táng. Tuy nhiên, sau tang lễ của ông chú xong, cả họ Lầu lo sợ “lời nguyền”, có người còn nói ông Pó sẽ gặp nhiều điều không may mắn, thậm chí có người còn nói ông Pó sẽ bị con ma bắt đi… Thế nhưng, ngày tháng trôi qua, người dân thấy ông Pó và dòng tộc vẫn sinh sống bình thường nên họ tin và làm theo.

Cũng theo ông Pó, để có được kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo từ tỉnh đến huyện, xã. Đặc biệt, là sự ra đời của Đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa" vào năm 2013. Cụ thể, cứ mỗi khi có người chết đưa vào quan tài thì gia chủ được hỗ trợ 8 triệu đồng (3 triệu mua con heo, 5 triệu mua bộ hòm). Đến nay, mỗi khi có người thân quan đời, người Mông đã đưa vào quan tài mai táng, lễ cúng cũng rút xuống còn 2 - 3 ngày.

Theo lãnh đạo huyện Mường Lát, cho biết, ông Lầu Minh Pó là tấm gương điển hình của đồng bào Mông trong việc tiên phong thực hiện thay đổi thủ tục tang ma. Nhờ đó mà đến nay, 100% người Mông trên địa bàn đã xóa bỏ hủ tục, đưa người chết vào quan tài mỗi khi có đám tang.

Ngoài việc đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, ông Lầu Minh Pó luôn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bản nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, dòng họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế…

Đồng bào Mông đang dần thay đổi nhận thức lạc hậu
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông ở Mường Lát ngày càng phát triển

Được biết, tỉnh Thanh Hóa hiện có 1.289 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Cũng như ông Lầu Minh Pó, thời gian qua, đội ngũ này luôn đang gương mẫu đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng. Với những đóng góp quan trọng, họ được ví như những “cánh tay nối dài”, "ngọn đuốc soi đường”, là những hạt nhân đoàn kết trong cộng đồng dân cư ở các vùng DTTS của tỉnh, góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.