Đi đầu phát triển kinh tế hộ gia đình
Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu tháng cuối năm, chúng tôi tìn về xã miền núi Tam Quang. Đường về nhà Người uy tín Kha Văn Toàn không khó, bởi người dân địa phương ai cũng tận tình chỉ đường. Đồng bào biết nhà ông Toàn, bởi ông từng là cán bộ xã được dân tin, về hưu ông lại trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương.
Được biết, trước đây, kinh tế gia đình ông Kha Văn Toàn cũng gặp nhiều khó khăn như bao hộ gia đình đồng bào Thái ở bản Tam Bông. Song nhờ tích cực lao động, đặc biệt là trong quá trình làm cán bộ ở xã, ông Kha Văn Toàn được học các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi ,nên khi về hưu ông triển khai có hiệu quả. Cùng sự nỗ lực vượt khó của bản thân và gia đình, đến nay ông đã làm chủ khu đồi có diện tích gần 11ha và được bà con gọi là “triệu phú ở rẻo cao”.
Mời khách vào trong ngôi nhà sàn khang trang, Người uy tín Kha Văn Toàn vào chuyện nhè nhẹ: “Mình là người Thái, mình đã nghỉ hưu theo chế độ từ năm 2020. Nói là nghỉ hưu nhưng mình vẫn gánh vác việc xã hội. Bên cạnh đó, mình cũng tập trung phát triển kinh tế gia đình vừa để cải thiện cuộc sống vừa là để làm gương”.
Sau 38 năm cống hiến ở địa phương, ông Kha Văn Toàn trải qua nhiều vị trí công tác như: Đội Trưởng đội sản xuất, Chủ tịch Hội Nông dân đến Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang. Dù ở vị trí nào ông Toàn cũng có những đóng góp cho sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS ở xã Tam Quang, được đồng bào tin tưởng. Khi đang là Chủ tịch Hội Nông dân, ông Kha Văn Toàn đã xung phong nhận gần 11ha đất để khoanh nuôi, trồng rừng.
Những ngày nghỉ, ông Toàn cùng các thành viên trong gia đình chăm chỉ trồng mét, tràm và một phần trồng cỏ sữa để nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt. Cũng nhờ đó, kinh tế hộ gia đình ông ngày càng trở nên khá giả.
Nghỉ hưu theo chế độ, với phương châm “nghỉ hưu, không nghỉ việc xã hội”, ông Toàn dồn tâm sức và hiểu biết của mình để trồng rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, gia đình ông Kha Văn Toàn có 8ha mét két kín, gần 2 ha keo và 1 ha ông trồng cỏ sữa để nuôi bò theo phương thức nuôi nhốt.
Từ năm 2020 đến nay, cứ 2 năm gia đình tiến hành thu hoạch một lứa mét với số lượng hàng nghìn cây. Đàn bò mỗi năm xuất bán từ 8 – 9 con bê, chưa kể mỗi năm đánh bắt được hàng tạ cá thịt trong ao, thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Từ nguồn vốn tích lũy trong sản xuất, ngoài mua sắm đồ dùng trong gia đình, ông Toàn đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước từ khe, suối về phục vụ nuôi cá và chăm sóc cây trồng. Vào mùa hè khô nóng thiếu nước sinh hoạt, ông tạo điều kiện cho bà con lấy nước từ đường ống về sử dụng.
Muốn dân tin mình phải “uy tín”
Nhấp xong chén nước, ông Kha Văn Toàn lại nhẹ nhẹ: “Mình về hưu được bà con tin tưởng suy tôn là Người uy tín. Mình nghỉ hưu chữ không phải nghỉ việc đâu nhé, lúc nào dân còn cần, dân còn tin thì mình tiếp tục gánh vẫn gác. Muốn dân tin thì mình phải uy tín”
Dẫn chúng tôi đi tham quan đàn bò sinh sản gồm 11 con bò mẹ, ông Toàn cho biết, bò nuôi nhốt có hiệu quả kinh tế cao. Với 11 con bò mẹ, trung bình gia đình ông Toàn xuất bán từ 8-9 con bê con. Từ mô hình trồng có sữa để nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt của gia đình ông Kha Văn Toàn phát huy hiệu quả, đến nay ở Tam Bông đã có 50 hộ triển khai nuôi nhốt bò. Không chỉ ở bản Tam Bông, ở xã Tam Quang cũng đã có nhiều hộ đồng bào Thái khác trồng cỏ sữa, nuôi bò nhốt như ông Toàn. Mô hình nuôi bò nhốt đã giúp nhiều hộ đồng bào Thái ở Tam Bôn nói riêng và ở xã Tam Quang nói chung xóa đói giảm nghèo.
Là người hiểu biết các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, ông Kha Văn Toàn còn tích cực vận động bà con trong bản tích cực chung tay thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Gia đình ông còn trở thành địa chỉ cho các hộ dân, đặc biệt là có hoàn cảnh khó khăn trong bản học hỏi cách làm kinh tế. Từ những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín, trong đó nổi bật là ông Kha Văn Toàn đã đưa Tam Quang trở thành xã miền núi đầu tiên ở tỉnh Nghệ An về đích Nông thôn mới.
Khi Chương trình MTQG 1719 được triển khai, Người uy tín Kha Văn Toàn lại tích cực vận động đồng bào ở bản Bông đồng lòng thực hiện. Những hỗ trợ từ Dự án phát triển mô hình sinh kế như hỗ trợ bò giống, cây giống… ông lại hướng dẫn đối tượng hưởng lợi kỹ thuật nuôi trồng để mô hình phát huy hiệu quả.
Đặc biệt là nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719, bản Bông có 5 đối tượng được hưởng lợi về nhà ở. Khi triển khai xây nhà 3 cứng theo tiêu chuẩn, ông Toàn đã vận động đồng bào giúp đỡ ngày công giúp những hộ hưởng lợi từ Dự án 1 xây nhà đảm bảo tiêu chuẩn.
Bà Kha Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Tam Quang chia sẻ: Ông Kha Văn Tào đã trải qua nhiều vị trí công tác như Tổ Trưởng tổ sản xuất, Chủ tịch Hội nông dân rồi Phó Bí thư Đảng ủy xã, dù ở vị trí công tác nào, ông Toàn cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, và được Nhân dân tin tưởng. Sau khi nghỉ hưu, ông Toàn được Nhân dân tin yêu suy tôn làm Người có uy tín. Không chỉ là tấm gương nhiệt huyết với công việc của tập thể, ông Toàn còn tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế và trở thành hộ có thu nhập cao của xã Tam Quang. Ông xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người trong bản, xã học tập và làm theo.