Không phụ lòng tin tưởng của Nhân dân trong thôn, thời gian qua ông Hlick ở thôn Ya Xiêng, xã Rờ Kơi luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các công tác tại thôn. Thôn Ya Xiêng với gần 100% là người Hà Lăng (một nhánh dân tộc Xơ Đăng), đời sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Hlick luôn nỗ lực để luôn là cánh tay nối dài của các cấp, chính quyền trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân.
Ông Hlick kể, ông đã được người dân tin tưởng, giao trách nhiệm là Người có uy tín của làng được 5 năm nay. Hiểu được trách nhiệm quan trọng này, ông luôn nỗ lực hoàn thành cách nhiệm vụ được giao, như vận động Nhân dân đồng lòng đồng sức xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cây trồng để phát triển kinh tế gia đình; tuyên truyền để giảm thiểu nạn tảo hôn, đẩy lùi các tập tục lạc hậu...
Trong công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, ông Hlick cũng đã đứng lên vận động Nhân dân trong thôn đóng góp sức người, sức của để cùng nhau dựng lại nhà rông mới. Trong đợt dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ông Hlick đã kêu gọi mọi người nâng cao tinh thần tương thân tương ái như giúp đỡ các hộ nghèo ở làng nằm trong diện cách ly để vượt qua thời gian khó khăn này.
Điển hình trong các công tác tại thôn của ông Hlick, là tiên phong làm ăn, phát triển kinh tế và hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên phát triển. Ông Hlick cho biết, năm 2017, ông vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Sa Thầy để mua 2 con bò. Đến nay, qua thời gian chăm sóc số lượng bò đã lên tới 9 con.
“Qua tìm hiểu mình nhận thấy việc chăn nuôi mang lại hiệu quả cao, nên mạnh dạn vay vốn để mua bò. Từ nguồn vốn chính sách mình đã đầu tư trồng cỏ, dựng chuồng để nuôi bò. Đến nay, mô hình này phát triển rất hiệu quả, phân bò thì có thể tận dụng để bón cho cây trồng. Nhiều hộ trong làng thấy vậy cũng học hỏi theo. Nhờ vậy, việc thả rông gia súc trong làng cũng giảm đáng kể mà đời sống của người dân theo đó cũng được nâng cao”, ông Hlick cho biết thêm.
Nhờ chăm chỉ làm lụng, đến nay gia đình ông Hlick có 2 ha mì, 3 sào cà phê, 1 ha cao su, 3 sào lúa, 9 con bò. Thu nhập bình quân mỗi năm đạt khoảng 100 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí.
Còn ở thôn Đak De, già làng A Ling được biết đến là tấm gương sáng trong công tác vận động người dân bài trừ những hủ tục, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Theo lời già A Ling, trước đây người dân ở làng trước khi thực hiện một việc gì đó quan trọng đều phải cúng. Nhà ai có heo thì cúng heo, có gà thì cúng gà… nhà nào không có thì đi vay mượn để cúng, gây tốn kém về kinh tế.
“Những hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên công tác vận động, tuyên truyền người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mình phải lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp làng, nói cho người dân nghe cái hại của việc cúng bái. Mà dân mình mắt không thấy thì tai không nghe, nên gia đình mình phải tiên phong thực hiện trước để người dân từ đó học hỏi. Qua thời gian, nhiều hộ trong làng cũng thực hiện theo, đến nay việc cúng bái trong làng cũng đã giảm rất nhiều so với ngày trước”, già A Ling chia sẻ.
Ở làng, gia đình già A Ling cũng là tấm gương sáng trong việc làm ăn, phát triển kinh tế. Từng có thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân của xã, nên già A Ling, đã kịp thời nắm được các tiến bộ, khoa học - kỹ thuật cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình.
Theo già A Ling, người dân mình chỉ quen lối canh tác lúa chọc trỉa một vụ nên còn đói ăn vào mùa giáp hạt. Khoảng năm 1993, mình hiểu được lợi ích của việc trồng các cây công nghiệp như cà phê, cao su, bời lời, từ đó mình bắt đầu chuyển đổi dần dần các diện tích cây trồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình mình vẫn trồng lúa và các loại cây ngắn ngày để trang trải kinh tế gia đình.
“Khi các loại cây trồng của mình đã mang lại thu nhập ban đầu, mình dẫn người dân đến tham quan và vận động họ thay đổi tư tưởng cũ kỹ, lối mòn trong việc làm kinh tế. Cùng với sự uy tín của mình, người dân đã dần tin tưởng và thực hiện theo, nhờ vậy đời sống cũng ổn định hơn trước”, già A Ling chia sẻ.
Trên cương vị Người có uy tín của thôn, già A Ling vẫn còn nhiều trăn trở, ông mong người dân trong thôn mình sẽ tiếp tục gắn kết với nhau, tăng cường khối Đại đoàn kết dân tộc. Từ đó, cùng nhau đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ngoài ra, già A Ling cũng mong các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến giáo dục dân tộc.
“Tôi mong muốn giáo dục dân tộc được phát triển hơn nữa, có nhiều chính sách thu hút nhân lực người DTTS để các cháu trong thôn có động lực đi học, sau khi ra trường sẽ có công việc ổn định. Từ đó có thể nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình và đóng góp cho thôn mình phát triển hơn”, già A Ling trăn trở.
Ông Trần Lệnh Tuyến - Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi nhận xét: Thời gian qua, lực lượng Người có uy tín là cánh tay nối dài của các cấp, chính quyền trong công cuộc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, đời sống của Nhân dân các thôn cũng được nâng lên rõ rệt, các giá trị văn hóa cũng được bảo tồn, phát huy trong cộng đồng. Để động viên lực lượng Người có uy tín, xã đã tích cực quan tâm, thăm hỏi để Người có uy tín, tiếp tục phát huy vai trò của mình, đưa các thôn ngày càng phát triển hơn nữa.