Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chư Păh (Gia Lai): Người có uy tín góp sức xây dựng quê hương

Ngọc Thu - 06:57, 06/12/2022

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở huyện Chư Păh, Gia Lai đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các phong trào yêu nước, phát triển kinh tế, chung tay xây dựng thôn, làng ngày càng khởi sắc.

Già làng, Người có uy tín Rơ Châm Kring (bên trái), làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Già làng, Người có uy tín Rơ Châm Kring (bên trái), làng Kênh Chóp, xã Ia Nhin tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ hủ tục, chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp

Chư Păh là huyện vùng núi có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 55% dân số với 26 dân tộc cùng sinh sống. Toàn huyện có 71 Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS, trong đó, dân tộc Gia Rai 58 người, Ba Na 13 người, Xơ Đăng 1 người.

Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong đời sống xã hội, luôn gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động dân làng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào tại địa phương như: “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tham gia xây dựng nông thôn mới...

Tiên phong trong phong trào xây dựng nông thôn mới, là già làng Siu Plim, Người có uy tín ở làng Bloi (thị trấn Ia Ly). Già Plim là tấm gương sáng luôn tích cực tuyên truyền người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào thâm canh... để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, già làng Plim cũng vận động 161 hộ dân trong làng, đóng góp trên 400 ngày công và mỗi hộ góp 50 ngàn đồng để sửa chữa đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, già còn dành nhiều thời gian để cảm hóa những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ hòa nhập cộng đồng, yên tâm lao động sản xuất; tham gia giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến các vấn đề mâu thuẫn, gây mất đoàn kết trong làng... 

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Siu Plim phấn khởi thông tin: Những năm gần đây, làng  luôn đạt danh hiệu "Làng văn hóa cấp huyện". Hàng năm, trong làng đã có trên 80% gia đình đạt gia đình văn hóa. 

Tại xã Ia Nhin, thời gian trước, trong làng vẫn còn tình trạng tảo hôn và tổ chức ma chay, cưới hỏi rình rang, kéo dài nhiều ngày gây lãng phí tiền bạc, thời gian, thậm chí là ô nhiễm môi trường. Với uy tín, sự hiểu biết và trách nhiệm, già làng Rơ Châm Kring (làng Kênh Chóp) đã phối hợp cùng chính quyền, tích cực tuyên truyền để người dân đã hiểu rõ hậu quả của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; thực hiện việc chôn cất đảm bảo vệ sinh môi trường, không chôn chung. Đồng thời, việc tổ chức lễ hội trong làng không kéo dài nhiều ngày... 

Bên cạnh đó, già Kring còn vận động bà con trong làng, đặc biệt là lớp trẻ tuân thủ luật an toàn giao thông. Già Kring kể: Thấy bà con trong làng ai làm việc trái pháp luật, là tôi nhanh chóng khuyên nhủ, phân tích điều sai trái; phối hợp với các đoàn thể trong làng tổ chức họp dân để tuyên truyền vận động bà con tuân thủ pháp luật, không tổ chức đám cưới cho con cháu khi chưa đủ tuổi; không giao xe máy cho con em khi chưa có giấy phép lái xe, yêu cầu mọi người cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhờ đó, đến nay, tình trạng tảo hôn và vi phạm an toàn giao thông đã không xảy ra tại làng Kênh Chóp. Bà con vui vẻ, đoàn kết cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) gặp mặt, biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS trên địa bàn năm 2022
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh gặp mặt, biểu dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS năm 2022

Đến nay, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Chư Păh, đã có nhiều thay đổi tích cực. Toàn huyện hiện có 4 xã và 3 làng đạt chuẩn NTM. Các tuyến đường liên xã, liên thôn, làng đường nội đồng được đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp. Đường trục thôn, làng được cứng hóa đạt 86,53%, đường ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa đạt 84,65%, tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm đạt 76,03%; toàn huyện có 94,50% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 44 triệu đồng/người/năm (số liệu năm 2021)… 

Ông Luyện Văn Toàn - Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chư Păh cho biết: Để có được kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại địa phương. Đây cũng là kết quả từ việc làm tốt công tác rà soát, bình xét, đề xuất danh sách Người có uy tín bảo đảm chất lượng của các cấp chính quyền. Đồng thời, quan tâm bảo đảm các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín theo quy định. Qua đó, đã phát huy tốt hiệu quả vai trò của Người có uy tín trong việc cùng cấp ủy, chính quyền địa phương vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.