Tảo hôn đeo bám thôn nghèo
Là người con của mảnh đất nghèo thôn Làng Cổng, chàng thanh niên trẻ người Dao Đặng A Đồng, sinh năm 1993 thấm rõ những nhọc nhằn, lam lũ của bà con nơi đây. Ấy vậy mà cái nghèo vẫn cứ mãi đeo bám nhiều nhà, đặc biệt là trong các gia đình có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Nhớ lại những ký ức buồn về tuổi thơ của mình, anh Đồng cho biết trước kia trong thôn không ít trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trai có, gái có, mặc dù chưa đến tuổi lập gia đình nhưng đã lấy nhau về, nảy sinh xích mích, mâu thuẫn rồi chửi đánh nhau. Phần lớn do họ lấy nhau khi còn quá trẻ nên nhận thức, kinh nghiệm gia đình chưa nhiều, kinh tế khó khăn để rồi “cái khó bó cái khôn”.
“Ngày trước thôn nghèo lắm, nhiều trẻ không được đến trường hoặc nghỉ học sớm. Thế rồi ít được tiếp cận thông tin tuyên truyền, nhất là về pháp luật liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vậy là, dù chưa đủ tuổi kết hôn nhưng thay vì đến trường như bạn bè cùng tuổi thì phải cõng con lên rẫy”, anh Đông cho biết.
Càng trớ trêu thay, không ít gia đình có họ hàng vẫn bất chấp lấy nhau rồi sinh con. Để rồi khi ra đường, họ gặp nhau không biết gọi ra sao, ngượng ngùng. Hài hước mà đáng buồn! Ngay cả các bậc cha mẹ cũng không nhận thức được tác hại khôn lường của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhiều khi còn giục cho con cưới sớm, cưới vội.
Tảo hôn không chỉ đẩy nhiều cô gái, chàng trai mới tuổi mười lăm, mười sáu mất đi cơ hội cho tương lai mà còn gây ra tình trạng đói nghèo, thất học, bệnh tật, lạc hậu bám riết lấy những “gia đình trẻ thơ”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sinh sản cũng như nhiều hệ lụy khác.
Nỗ lực đẩy lùi tảo hôn
Tốt nghiệp Trường Đại học Công đoàn nhưng chưa đi làm cơ quan nhà nước, anh Đồng được người dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn từ năm 2017. Từ ám ảnh tuổi thơ, dưới vai trò trưởng thôn của mình, anh Đồng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền phòng chống tảo hôn trên địa bàn.
Anh Đồng chia sẻ, thôn Làng Cổng hiện có 86 hộ với 357 nhân khẩu, 100% người Dao sinh sống. Hầu hết do nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân còn hạn chế, phong tục lạc hậu, ít có sự quan tâm đến con cái nên tình trạng tảo hôn không phải là ít nếu không ngăn chặn kịp thời.
Sáu năm qua, anh luôn khéo léo lồng ghép tuyên truyền về tác hại của tảo hôn tại các buổi sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, họp thôn; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, chỉ đạo CLB phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết với 30 thành viên; phối hợp với các trường học trên địa bàn thôn, xã tăng cường tuyên truyền cho học sinh...
Đặc biệt, anh không ngần ngại “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các gia đình có thanh niên trẻ tuổi hoặc đang có nguy cơ tảo hôn. Thế nhưng, trên hành trình ấy, với vai trò trưởng thôn khi còn trẻ tuổi nên anh Đồng cũng gặp không ít khó khăn:
“Nói thật nhiều khi đến các gia đình, mình cũng chỉ tuổi con tuổi cháu nên nhiều khi đến vận động không được, không ít lần bị mắng xối xả. Nhưng tôi vẫn quyết tâm, nhờ đến sự vào cuộc của Người có uy tín trong thôn cùng đến để vận động”, anh Đồng chia sẻ.
Theo thời gian, tâm huyết của trưởng thôn trẻ tuổi ấy giờ đây được bà con trong thôn ghi nhận và đánh giá cao. Ông Triệu Quay Thoòng, một người dân của thôn cho biết: “Trưởng thôn Đồng nhiệt tình, gương mẫu, luôn đi đầu tham gia trong các hoạt động của thôn. Nhất là cùng với chính quyền vận động thanh niên, các gia đình kiên quyết phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Dù là vị trưởng thôn trẻ tuổi nhưng được người dân chúng tôi tin tưởng và có uy tín lắm”.
Nhờ quyết tâm cao của anh Đặng A Đồng cũng như chính quyền địa phương, từ năm 2017 đến nay, thôn Làng Cổng không còn trường hợp tảo hôn nào nữa. Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và phát triển, ông Lưu Minh Thắng, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của trưởng thôn Đặng A Đồng trong công tác phối hợp với cán bộ, chính quyền chỉ đạo, tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong thôn. Việc không còn tình trạng tảo hôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo cho người dân địa phương.