PV: Thưa bà, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, bà cho biết một số kết quả của Đề án?
Bà Hoàng Thị Thắm: Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với điều kiện thực tế vùng đồng bào DTTS. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; hướng dẫn Ban Chỉ đạo xã, các thành viên Tổ tư vấn thôn, bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.
Bên cạnh đó, tổ chức các đợt kiểm tra, nắm bắt tình hình và hướng dẫn triển khai thực hiện mô hình tại cơ sở. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình công tác chỉ đạo ở cấp xã và hoạt động của các Tổ tư vấn thôn, bản trong việc triển khai thực hiện Đề án để có các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS.
Để tổ chức triển khai hiệu quả Đề án, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và HNCHT; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện Đề án.
Từ năm 2016 - 2022, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 23 hội nghị tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình cho hơn 2.000 lượt người, với thành phần là các thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã, thành viên Tổ tư vấn thôn, bản, Người có uy tín và người dân. Nội dung tuyền truyền tập trung vào các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Tổng quan Đề án và các mục tiêu nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT, giai đoạn 2015 - 2025.
Biên soạn, in ấn 18.000 tờ gấp, 108 pa nô, in sao 1.000 đĩa VCD phục vụ công tác tuyên truyền Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và phát sóng 1 phóng sự tài liệu “Thực trạng và giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Tuyên Quang.
Tổ chức cho 2.605 hộ dân ký bản cam kết nói không với tảo hôn, HNCHT. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền ngoại khóa trong các Trường PTDT nội trú, PTDT bán trú trên địa bàn 6 huyện, thành phố, xây dựng 1 Modul tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT trên Trang thông tin điện tử của Ban Dân tộc. Tổ chức 3 đợt học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn cho các thành viên Ban chỉ đạo, thành viên Tổ tư vấn thôn, bản.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận đồng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình điểm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025” tại 7 xã đặc biệt khó khăn (xã Trung Minh, xã Hùng Lợi thuộc huyện Yên Sơn; xã Xuân Lập thuộc huyện Lâm Bình; xã Hùng Mỹ thuộc huyện Chiêm Hóa; xã Hồng Thái thuộc huyện Na Hang; xã Yên Lâm thuộc huyện Hàm Yên; xã Đông Thọ thuộc huyện Sơn Dương).
PV: Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn diễn biến phức tạp, bà cho biết một số giải pháp để giảm thiểu tình trạng này?
Bà Hoàng Thị Thắm: Trước những diễn biến phức tạp của nạn tảo hôn, Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã đề ra các giải pháp. Cụ thể: Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, truyền thông, tư vấn, hỗ trợ... bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của đồng bào DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo cấp xã, tổ tư vấn thôn, bản tăng cường công tác nắm tình hình cơ sở; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và HNCHT để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa.
Tăng cường sự quản lý nhà nước về công tác hôn nhân và gia đình; chính quyền các cấp thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm về tảo hôn, HNCHT theo quy định của pháp luật. Các thôn, bản chú trọng đưa nội dung thực hiện quy định về hôn nhân và gia đình vào quy ước thôn, bản, bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện.
Phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS; nêu gương người tốt việc tốt trong công tác tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong hôn nhân, trong việc chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào DTTS.
PV: Xin bà cho biết một số khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang trong triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”?
Bà Hoàng Thị Thắm: Đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS”, góp phần có hiệu quả đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.
Tăng cường các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, nhằm nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật về tảo hôn và HNCHT, từ đó đẩy lùi vấn nạn này trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Tuyên Quang.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!