Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó đồng bào DTTS có khoảng hơn 128.500 người. Vài năm gần đây, tình trạng TH&HNCHT tại các địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam đã giảm so với trước, tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh ghi nhận 830 trường hợp tảo hôn, so với giai đoạn trước (2010-2015), giảm 704 trường hợp, bình quân giảm 9,2%/ năm. Về kết hôn cận huyết thống, có 31 trường hợp, giảm 70 trường hợp so với giai đoạn trước bình quân mỗi năm giảm 13,8%. Riêng năm 2021, có 4 huyện gồm: Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang và Đông Giang hoàn thành báo cáo về số lượng TH&HNCHT. Cụ thể, trên địa bàn 4 huyện này có 71 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp HNCHT.
Theo chia sẻ của các cán bộ làm công tác dân tộc ở Quảng Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn chủ yếu do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn; sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của đồng bào; việc thiếu trang bị kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh miền núi; sự vào cuộc của chính quyền địa phương để ngăn chặn tình trạng này chưa mạnh mẽ, quyết liệt…
Để triển thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định số 498 ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã chọn một số xã điểm để triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng TH&HNCHT. Thành công từ các mô hình điểm này sẽ nhân rộng ra các xã khác.
Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình, tổ chức các hội thi, sáng tác thơ, biểu diễn các tiểu phẩm về chủ đề phòng chống TH&HNCHT; xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về hệ lụy của TH&HNCHT trên các phương tiện truyền thông; trình chiếu phim tư liệu cho người dân và học sinh ở vùng địa bàn DTTS xem nhằm thay đổi nhận thức về TH&HNCHT.
Tại một số địa phương miền núi đã đưa nội dung phòng chống TH&HNCHT vào các hương ước, quy ước. Đơn cử như ở huyện Tây Giang, để cụ thể hóa các nội dung xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã đưa tiêu chí “Nói không với tảo hôn, nói không với HNCHT” vào hương ước các dòng họ, quy ước thôn, khu dân cư; đồng thời thành lập các câu lạc bộ “Không sinh con thứ 3”, “Không tảo hôn”, “Gia đình hạnh phúc”… Nhờ đó, Tây Giang ngăn ngừa được tình trạng TH&HNCHT trong cộng đồng, từng bước giảm nguy cơ vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Hay như tại huyện Nam Trà My, trước kia xảy ra nhiều trường hợp TH&HNCHT. Việc duy trì sĩ số ở Trường PTDTNT Nam Trà My luôn là một thách thức lớn bởi học sinh bỏ học do tảo hôn. Nhận thấy việc tuyên truyền bằng phương pháp phổ biến kiến thức thông thường trên lớp không mang lại hiệu quả như mong muốn, lãnh đạo nhà trường đã thay đổi cách tiếp cận. Nhà trường phối hợp với Đài Truyền thanh và Truyền hình huyện Nam Trà My xây dựng phóng sự truyền hình về chính những học sinh của trường nghỉ học do tảo hôn trong những năm qua để chiếu trong các giờ ngoại khóa; tổ chức các hội thi, hội diễn tìm hiểu về chủ đề TH&HNCHT… Từ những hình ảnh thực tế sinh động đó đã tác động đến nhận thức của các em học sinh người DTTS. Các em nhận thấy hầu hết các trường hợp tảo hôn đều có cuộc sống rất bấp bênh, vất vả nên quyết tâm theo đuổi việc học, không tự ý bỏ học để lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Mới đây (ngày 6/10), Trường PTDT Nội trú Nam Trà My cũng tổ chức Hội thi “Tìm hiểu kiến thức về TH&HNCHT và sức khỏe sinh sản vị thành niên”. Nội dung Hội thi xoay quanh các vấn đề như: Tìm hiểu các quy định pháp luật, tác hại và phòng chống TH&HNCHT; hệ lụy của TH&HNCHT... Tại Hội thi, các em học sinh được tư vấn về sức khỏe sinh sản vị thành niên; thông tin về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT vùng đồng bào DTTS... “Thông qua hội thi này, nhà trường mong muốn các em sẽ có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước vấn nạn TH&HNCHT. Chính các em có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực truyền thông nhằm ngăn chặn nạn TH&HNCHT với bạn bè, người thân”, thầy giáo Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú Nam Trà My cho biết.
Phấn đấu đến năm 2025, không còn tảo hôn
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch 5804/KH-UBND ngày 1/9/2021 về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025” (giai đoạn II). Theo kế hoạch, các nội dung sẽ được triển khai như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về TH&HNCHT; Biên soạn, phát hành tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về hôn nhân và phòng, chống TH&HNCHT; Triển khai nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT” tại địa phương; Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia tuyên truyền, ngăn ngừa TH&HNCHT ở cơ sở; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội;…
Theo đó, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đầy lùi, ngăn chặn tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm bình quân mỗi năm 3% đến 5% số cặp tảo hôn và 5% đến 7% số cặp kết hôn cận huyết thống. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS; trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc, nhất là ở cơ sở xã, thôn, nóc phải được tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng vận động tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về TH&HNCHT.
Hy vọng với những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Dự án 8) cùng sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Quảng Nam và chính quyền các huyện miền núi, tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS hoàn toàn chấm dứt trong năm 2025.