Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Trị: Nhân rộng mô hình ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Minh Thu thực hiện - 06:18, 11/11/2022

Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc phỏng vấn bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị xung quanh vấn đề này

Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị
Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

PV: Thưa bà, thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, bà cho biết một số kết quả của Đề án?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, ngày 11/1/2016, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND về triển khai, thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020” (Giai đoạn I). 

Trên cơ sở bám sát kế hoạch của tỉnh, UBND các huyện chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới gắn với tuyên truyền các quy định về phòng chống tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS được chú trọng. 

Hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS ở địa bàn các xã, thôn, bản có tỷ lệ hoặc nguy cơ cao về tảo hôn và HNCHT được tăng cường. Một số địa phương đưa các quy định về phòng chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS trên địa bàn...

Theo đó, số cặp tảo hôn giai đoạn 2016 - 2020 giảm 445 cặp, kết hôn cận huyết thống giảm 07 cặp so với giai đoạn 2011 - 2015. Sau 05 năm, số cặp tảo hôn giảm được 57 cặp tương đương với 24,6% (năm 2016 là 232 cặp; năm 2021 là 175 cặp) hôn nhân cận huyết thống gần như chấm dứt, 04 năm liền trên địa bàn tỉnh đã không còn trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Cán bộ dân số kiên trì tuyên truyền góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn ở đồng bào DTTS
Cán bộ dân số kiên trì tuyên truyền góp phần giảm tỷ lệ tảo hôn ở đồng bào DTTS

PV: Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng thực trạng tảo hôn và HNCHT trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn diễn biến phức tạp. Bà cho biết nguyên nhân và một số giải pháp để giảm thiểu tình trạng này?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn và HNCHT trên địa vàn tỉnh Quảng Trị còn cao. Cụ thể: Công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn và HNCHT để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế. Việc quản lý, xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn và HNCHT chưa được quan tâm thực hiện, còn tình trạng nể nang khi xử lý các trường hợp vi phạm. Đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, tuyên truyền viên các Câu lạc bộ trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, điều tra, khảo sát, thu thập thông tin về thực trạng tảo hôn và HNCHT.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS của tỉnh, Ban Dân tộc Quảng Trị đề ra các giải pháp. Cụ thể: Xây dựng các thông điệp truyền thông ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về chống tảo hôn, tương tự như các thông điệp về phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống Covid-19...; đăng, phát rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là vào mùa lễ hội, mùa cưới nhằm tạo điểm nhấn tuyên truyền vận động thanh, thiếu niên không tảo hôn và tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tảo hôn ở những vùng có tỷ lệ tảo hôn cao.

Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng, người có ảnh hưởng đến công chúng tham gia tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên không tảo hôn, gia đình không cho con tảo hôn, chính quyền không hợp thức hóa việc tảo hôn. Nhân rộng những mô hình điểm, cách làm hay để khẳng định hiệu quả trong thời gian qua.

Ngoài biện pháp xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh đối với người tảo hôn và người tổ chức tảo hôn, cần khen thưởng kịp thời người có công phát hiện và ngăn chặn không để xảy ra tảo hôn. Đưa vấn đề tảo hôn vào thảo luận và truyền thông vào giáo dục từ cấp THCS kèm theo các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực và kiến thức sức khỏe sinh sản để nâng cao nhận thức cho các em học sinh.

PV: Một trong những giải pháp quan trọng trong phòng chống tảo hôn và HNCHT là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về những hệ lụy, tác hại của vấn đề này. Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã triển khai công tác này như thế nào, thưa bà?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và HNCHT. Lựa chọn phương pháp, hình thức tuyên truyền riêng cho đối tượng đặc thù là người DTTS, vùng DTTS, gắn với những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày, phù hợp với tập quán, văn hóa của đồng bào DTTS để lựa chọn các hoạt động trong kế hoạch cho phù hợp.

Tuyên truyền về nạn tảo hôn đến các đối tượng có nguy cơ cao
Tuyên truyền về nạn tảo hôn đến các đối tượng có nguy cơ cao

Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động với các hoạt động giao lưu văn hoá, lễ hội, hoạt động hòa giải tại cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học, các câu lạc bộ, các tổ, nhóm. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ đội Biên phòng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, trưởng thôn, chức sắc, chức việc, Người có uy tín trong vùng DTTS trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Dân số và Gia đình và các văn bản liên quan đến công tác triển khai thực hiện Đề án.

PV: Xin bà cho biết một số khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Trị trong triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”.

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025”, sau khi kết thúc giai đoạn I vào năm 2020 tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn II (2021 - 2025) cùng với tổ chức thực hiện Tiểu dự án 2 - Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án 9 - Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm DTTS còn nhiều khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025.

Ngoài các nội dung truyền thông, nâng cao nhận thức năng lực chuyên môn nghiệp vụ; duy trì và triển khai mô hình tại các xã/huyện/trường có tỷ lệ tảo hôn và HNCHT cao đã được hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc, đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn chi tiết công tác tư vấn, can thiệp lồng ghép để địa phương triển khai đồng bộ các hoạt động, đạt hiệu quả cao.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.