Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả tuyên truyền trực quan từ Phiên tòa giả định về nạn tảo hôn

Ngọc Thu - 22:20, 13/09/2022

Được đánh giá là giải pháp tuyên truyền trực quan, hiệu quả, Phiên tòa giả định về nạn tảo hôn đã thu hút và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai). Qua đó, huyện Đak Đoa đã đa dạng hóa hính thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang diễn ra tại địa phương.

Phiên tòa giả định với tình huống là một vụ xét xử đối với bị cáo về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”
Phiên tòa giả định với tình huống là một vụ xét xử đối với bị cáo về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”

Nghiêm túc Phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định do Phòng Dân tộc, Phòng Tư pháp, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an huyện, Huyện đoàn, Ủy Ban Mặt trận TQVN huyện Đak Đoa phối hợp tổ chức. Trong không khí nghiêm túc, căng thẳng, 200 người dân tham dự đang hồi hộp theo dõi diễn biến của phiên tòa.

Dựa trên những trường hợp tảo hôn có thật tại địa phương, Ban Tổ chức chương trình đã xây dựng phiên tòa giả định, với tình huống là một vụ xét xử đối với bị cáo về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. 

Theo cáo trạng giả định, tháng 3/2021, Nguyễn Thị Nữ (SN 2006) có quan hệ tình cảm với anh Trần Văn Nam (SN 2001). Tháng 6/2021, sau khi phát hiện mình có thai, Nữ đã thông báo cho anh Nam. Tiếp đó, Nữ trình bày sự việc với bố mình là ông Nguyễn Ba, đồng thời, ngỏ ý muốn kết hôn trước khi sinh con. Tuy biết con gái chưa đến tuổi kết hôn nhưng vì sợ mang tiếng xấu, ngày 15/7/2021, hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới cho Nữ và Nam thành vợ chồng. 

Trong quá trình chung sống, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, Nam thường xuyên uống rượu, bỏ bê gia đình nên vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Khi Nam đòi bỏ vợ con, ngày 10/2/2022, ông Ba làm đơn tố cáo hành vi xâm hại tình dục của anh này đến cơ quan Công an.

Sau quá trình thụ lý điều tra, Cơ quan Điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố Nam về hành vi giao cấu với người từ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Sau đó, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân huyện tuyên phạt Nam 5 năm tù về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, cơ quan chức năng xác định: Ông Ba, ông Tư và bà Năm có hành vi tổ chức tảo hôn mặc dù biết con gái là Nữ khi chưa đến tuổi kết hôn (tại thời điểm tổ chức đám cưới với Nam, Nữ mới 15 tuổi 7 tháng 15 ngày). Vì đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tổ chức tảo hôn, nhưng vẫn tái phạm nên cơ quan Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Ba về tội “Tổ chức tảo hôn”.

Bên cạnh đó, cơ quan Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là bố đẻ nạn nhân về tội “Tổ chức tảo hôn”
Bên cạnh đó, cơ quan Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can là bố đẻ nạn nhân về tội “Tổ chức tảo hôn”

Dù là Phiên tòa giả định, nhưng các đơn vị phối hợp tổ chức đã có sự chuẩn bị chu đáo với đầy đủ các thành phần như: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký, người làm chứng, luật sư bào chữa cho bị cáo… Trong phần xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và kiểm sát viên đã lồng ghép những câu hỏi mang tính chất tuyên truyền, cảnh tỉnh với bị cáo để giúp người dân hiểu rõ về hệ lụy của tảo hôn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sức khỏe tinh thần của con người, đặc biệt là thanh - thiếu niên.

Nâng cao ý thức phòng chống nạn tảo hôn

Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đak Đoa thông tin: Huyện Đak Đoa có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 55% dân số, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 12,8%, từ năm 2016 - 2021, huyện Đak Đoa có 364 cặp tảo hôn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở các làng DTTS hiện nay, một phần là do cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, đồng bào có suy nghĩ cho con lấy vợ, lấy chồng để có lao động; Một phần là cán bộ thực thi pháp luật chưa nghiêm trong quản lý, đăng ký kết hôn; chế tài xử phạt vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe. Với đa dạng hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động sẽ góp phần giảm thiểu nạn tảo hôn tại các thôn, làng DTTS. Nhờ vậy, 6 tháng đầu năm 2022, huyện Đak Đoa chưa có vụ tảo hôn nào.

Việc đa dạng hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động góp phần giảm thiểu nạn tảo hôn tại các thôn, làng đồng bào DTTS
Việc đa dạng hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động góp phần giảm thiểu nạn tảo hôn tại các thôn, làng đồng bào DTTS

Ông Sêl - Người có uy tín ở làng Ngơm Thung (xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) bày tỏ: “Lần đầu tiên tôi tham dự Phiên tòa giả định tại địa phương. Tại đây, tôi tiếp thu rất nhiều kiến thức pháp luật bổ ích. Tôi sẽ nhắc nhở bà con, các cháu thanh - thiếu niên phải chấp hành tốt quy định của pháp luật, không tổ chức kết hôn khi chưa đủ tuổi để tránh vi phạm pháp luật”.

Tại Phiên tòa giả định, có 50% là đoàn viên, thanh niên tham gia, đây cũng là lực lượng trẻ có ảnh hưởng lớn đến sự chung tay đẩy lùi tảo hôn. Vì vậy, việc nâng cao kiến thức pháp luật, từ đó tự giác chấp hành các quy định về hôn nhân và gia đình cũng được Phiên tòa giả định chuyển tải thuyết phục từ những vụ án thực tế.

 Em Oi, ở làng Brông Goai, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa  chia sẻ: “Thông qua Phiên tòa giả định, em học được rất nhiều kiến thức, nhất là không được kết hôn sớm để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, tương lai bản thân và con cháu sau này. Việc tảo hôn là vi phạm pháp luật và để lại nhiều hệ lụy. Vì vậy, em cùng với các bạn bảo nhau chấp hành tốt pháp luật, không tảo hôn để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Ông Đỗ Thành Việt, Trưởng phòng Tư pháp huyện Đak Đoa nhận định: Xã Ia Pết là đơn vị đầu tiên được huyện tổ chức Phiên tòa giả định trong năm 2022. Đây từng là xã có nhiều vụ tảo hôn của huyện. Để công tác tuyên truyền hiệu quả, đơn vị đã phối hợp tổ chức Phiên tòa giả định. Đây là phương pháp tuyên truyền mang tính trực quan sinh động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về hệ lụy của tảo hôn, từ đó nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật. 

"Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các Phiên tòa giả định ở địa bàn khác, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn", ông Việt thông tin thêm.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.